
Làm thế nào để viết một bài báo nghiên cứu khoa học?
Disclaimer: Bài viết dựa trên trải nghiệm cá nhân (Và ghi chú từ một số buổi học, nhiều phần bê nguyên lại dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh thôi), không được thật sự đầy đủ lắm, sẽ tiếp tục bổ sung
Những câu hỏi trước khi bắt đầu
- Thầy mình hay bảo là “Mình muốn kể câu chuyện gì? Kể 1 câu chuyện thôi, cho người ta dễ theo dõi” và “Câu hỏi của mình là gì? Tại sao mình lại có câu hỏi như thế?” và bản thảo của mình sẽ chính xác cung cấp bối cảnh và trả lời cho câu hỏi đó.
- Cái bản thảo này có đáng để viết hay không? Cái chữ “đáng” nó cũng nhiều khía cạnh lắm, bản thân chủ đề đó đáng để viết, hoặc là nó có tính mới trong lĩnh vực.
- Thực hiện khảo sát các thông tin hiện có về chủ đề định viết, thật ra không phải là “định viết”, mà là “định làm”
- Mình luôn bắt đầu với review paper, bài gần đây nhất, đăng trên Nature, Cell hoặc Science. Dĩ nhiên là sẽ có nhiều kiểu review, chọn bài review gần với chủ để của bạn nhất để bắt đầu, sau đó mới đọc các bài báo nghiên cứu cung cấp kết quả, để biết người ta đã từng làm như thế nào
- Sau khi hình dung được tổng quan của chủ đề định làm, thì cái nghiên cứu của mình sẽ ghép vào đâu trong cái bức tranh/câu chuyện lớn đó, và nó sẽ giải quyết vấn đề/câu hỏi gì? Và thực sự là nó có giải quyết được không.
- Ví dụ mình đặt giả thuyết là A là nguyên nhân của B. Thì cái vấn đề “giải quyết được hay không” thì có hai trường hợp, kết quả sẽ đi theo hướng hoặc là như mình mong đợi (A là nguyên nhân của B), hoặc là không như mình mong đợi (A không phải là nguyên nhân của B). Cả hai trường hợp đều là “có thể giải quyết được” nha.
- Một số câu hỏi khác ngoài lề như
- Nên chọn tạp chí nào? Tiêu chí đăng bài của tạp chí đó là gì? Độc giả của tạp chí đó có hợp với cái bài mình viết hông? Những cái này có thể tìm thấy trên website của tạp chí đó
- Cái bước này mà chọn sai thì sẽ mất thời gian và sẽ thất bại khi nộp bản thảo. Kiểu mỗi nơi sẽ có một tiêu chí và cách trình bày riêng, nên nếu đổi là sẽ phải đổi cái format của bài báo đó luôn. Nên là mỗi một lần thất bại là phải chỉnh sửa lại để phiên bản đó khớp với yêu cầu của tạp chí mới. Mỗi một lần luôn. Nên là rất khuyến khích dùng các công cụ trích dẫn như Endnote hoặc Zotero ngay từ khi bắt đầu.
- Cách nhanh nhất là hỏi những người đã từng đi trước.
Các phần khi viết bản thảo nghiên cứu
Có một công thức về thứ tự để viết các phần trong một bài báo khoa học là IMRAD – Introduction – Method – Results – Abstract – Discussion. (Cái này học của một thầy người Hàn, học và làm giáo sư ở Anh, xong rùi quay lại Hàn giảng cái bài này). Cách này phù hợp nếu viết lúc mà bắt đầu một dự án, là bắt tay zô viết luôn, kiểu tìm hiểu đến đâu viết đến đó luôn, nhưng thường thì ít người làm thế vì giả thuyết ban đầu chưa chắc là nó đúng, nên còn cách hai nữa.
Cách 2 là thứ tự cô giáo mình (Hồi học đại học) khuyên, là bắt đầu từ Chuẩn bị bảng biểu và hình ảnh – Methods – Results – Discussion – Introduction – Abstract, theo thứ tự phần nào dễ cho bạn thì viết trước. Kiểu như là, lúc làm kết quả (phân tích, trình bày thành bảng biểu), thì mình hiểu rất rõ kết quả, nên bắt đầu từ phần này trước thì sẽ dễ hơn. Cách này phù hợp với những dự án kiểu làm xong hết ròi mới bắt đầu viết.
Cách 3 là cách của mình. Phần nào thấy dễ để viết thì viết trước, có cái gì đó đã, có tâm trạng viết đã, viết dài cũng được, xong rồi từ từ gọt giũa nó lại sau.
Thứ tự xuất hiện của các phần sẽ tuỳ thuộc vào từng tạp chí. Bài viết này sẽ giải thích góc nhìn và lý do khi thực hành với công thứ IMRAD.
Introduction – Giới thiệu hay Tổng quan
Phần tổng quan cung cấp một cái nhìn “tổng quan” về những kết quả nghiên cứu trước đó và khoảng trống kiến thức, từ đó tạo nền tảng cho giả thuyết nghiên cứu của bạn. Phần Tổng quan là tổng hợp những kiến thức có sẵn, thường bạn sẽ làm phần này trước khi đi vào nghiên cứu. Do đó, viết phần tổng quan tốt tạo nền tảng tốt để thực hiện nghiên cứu, dễ dàng để có thể viết đầu tiên. Phần Tổng quan bao gồm và cần chú ý các phần sau:
- Mở đầu hấp dẫn: Phần mở đầu là cơ hội đầu tiên để thu hút sự chú ý của người đọc và tạo ấn tượng tốt. Bạn cần mở đầu, nhưng bạn cần một cái mở đầu hấp dẫn hơn để giữ chân người đọc ở lại với bài báo. Đừng để người đọc cảm thấy nhàm chán ngay từ đầu.
- Cung cấp bối cảnh và nền tảng (background) về chủ đề nghiên cứu: Giới thiệu ngắn gọn về những gì đã biết về chủ đề nghiên cứu, nhấn mạnh các nghiên cứu đã được thực hiện và chú ý trích dẫn nguồn một cách phù hợp khi đề cập đến các nghiên cứu trước đó. Điều này giúp tạo ra một bức tranh toàn cảnh. Chú ý không đi lan man quá. Mình từng viết đoạn này 2 trang, sau khi thầy mình sửa, mình rút được còn nửa trang. Lúc đó mới thấy mình lan man thế nào.
- Mô tả khoảng trống trong kiến thức hiện có: giải thích những gì còn chưa biết hoặc đang gây tranh cãi trong lĩnh vực nghiên cứu. Điều này giúp người đọc thấy được khoảng trống kiến thức mà bạn đang cố gắng lấp đầy, tăng thêm ý nghĩa cho nghiên cứu.
- Giới thiệu giả thuyết nghiên cứu: Cách để giải quyết khoảng trống trong kiến thức được nêu ở phần trên. Phần này trả lời câu hỏi “Bài nghiên cứu này viết về điều gì?” và nêu rõ hướng nghiên cứu mà bài viết sẽ đi sâu.
- Một số lưu ý
- Cấu trúc tam giác ngược: Phần tổng quan nên bắt đầu từ phạm vi rộng (chủ đề) và dần thu hẹp vào trọng tâm hoặc giả thuyết nghiên cứu. Điều này giúp người đọc dễ dàng theo dõi mạch logic của bài viết.
- Thực tế thì tuỳ style mỗi người nhưng mình viết hay bị lan man ấy, xong rùi mình phải quy định mỗi phần này viết bao nhiêu câu thôi, xong tóm gọn lại cho đủ số câu mình cần. Thầy mình cũng biết tính, mỗi khi định bảo mình viết gì thì sẽ mở ngoặc độ dài cần thiết, kiểu (Less than half a page), ý là mày viết ngắn thôi, phần này nửa trang là được.
Các lỗi thường gặp:
- Quá nhiều hoặc quá ít thông tin, làm người đọc bị “quá tải” hoặc cảm thấy thiếu cơ sở để hiểu nghiên cứu.
- Mục tiêu nghiên cứu không rõ ràng. Cố gắng đưa mục tiêu nghiên cứu là câu hỏi nghiên cứu bạn đã xác định từ trước, vào cuối phần Introduction một cách thật rõ ràng và xúc tích.
- Cấu trúc rối rắm, không có trình tự logic.
Mẹo của mình
- Lập dàn ý trước, nội dung sẽ bao gồm những ý chính nào, mong muốn độ dài là bao nhiêu, sau đó viết theo ý của mình trước
- Tìm tài liệu tham khảo cho những điều mình vừa viết, bằng Perplexity, hướng dẫn sử dụng trong bài viết Perplexity luôn. Nghe thì hơi ngược đúng không. Nhưng những nội dung mình viết là những nội dung mình đã đọc nhiều lần trong suốt quá trình thực hiện nghiên cứu, nên là mình biết chính xác là nó đúng, mình chỉ cần tìm xem nó đang nằm trong bài nghiên cứu nào thôi. Và khi trích dẫn, thì trích dẫn
Method – Phương pháp nghiên cứu
Phần Phương pháp nghiên cứu mô tả lại cách bạn thiết kế các thí nghiệm hoặc phương pháp để trả lời câu hỏi nghiên cứu và lý do lựa chọn các phương pháp đó. Phần này cần liệt kê các bước cụ thể để tiến hành nghiên cứu, từ quá trình lựa chọn, thu thập, đến phân tích dữ liệu. Sự chi tiết trong mô tả phương pháp nghiên cứu đảm bảo nghiên cứu của bạn đã được thực hiện một cách minh bạch và có thể lặp lại được nếu tuân theo phương pháp này. Phần này tốt là khi người đọc có thể tái lập lại nghiên cứu dựa vào phần Methods để ra được đúng kết quả trong bài báo mà không gặp khó khăn gì. Kinh nghiệm là hên xui. Vì nhiều khi không phải vì họ làm sai mà là do người làm thí nghiệm, hoặc là cách xây dựng thí nghiệm, hoặc là vẫn người đó mà đổi lọ hoá chất mới nhiều khi cũng phải thử lại để tối ưu lại.
Quá trình lựa chọn và thu thập dữ liệu
- Quy trình và tiêu chí lấy mẫu: Mô tả quy trình và các tiêu chí để chọn mẫu, kích cỡ mẫu, nguồn gốc mẫu, cách thức chuẩn bị mẫu.
- Công cụ và vật liệu sử dụng: Đưa ra chi tiết về các công cụ, thiết bị hoặc vật liệu dùng để thu thập dữ liệu. Nếu sử dụng tập dữ liệu có sẵn, mô tả cách dữ liệu này được tạo ra ban đầu và nguồn gốc của nó.
Kỹ thuật phân tích dữ liệu
- Liệt kê các thiết bị đã được sử dụng và quy trình sử dụng.
- Liệt kê và mô tả các phương pháp đã được dùng để phân tích hoặc thống kê: Các kỹ thuật phân tích dữ liệu, phương pháp thống kê hoặc các phần mềm máy tính được sử dụng trong quá trình phân tích.
Các lỗi thường gặp
- Thiếu thông tin hoặc thông tin chưa đủ chi tiết.
- Bao gồm thông tin từ phần tổng quan, dẫn đến trùng lặp.
- Trình bày kết quả trong phần phương pháp, làm cho phần này mất đi tính minh bạch và dễ hiểu.
Mẹo của mình
Sử dụng các tiêu đề chính từ những bài báo liên quan, để biết được mình cần phân chia như thế nào. Sau đó điền nội dung vào những tiêu đề đó luôn. Phần nội dung cũng có thể tham khảo, nhưng chú ý đạo văn 🙂
Results – Kết quả nghiên cứu
Phần Kết quả cần được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, và bám sát câu hỏi nghiên cứu. Một cách trình bày có tổ chức sẽ giúp người đọc hiểu rõ những gì nghiên cứu đã tìm thấy và chứng minh. Các kết quả cần được trình bày một cách khách quan, không thiên vị, trung thực, và không bị ảnh hưởng bởi quan điểm cá nhân.
Trình bày kết quả nghiên cứu liên quan đến câu hỏi nghiên cứu
Abstract – Tóm tắt
Đây là một đoạn văn gồm 150-300 từ, tóm tắt lại toàn bộ nghiên cứu. Phần Tóm tắt cần ngắn gọn, rõ ràng và không rườm rà. Phần Tóm tắt này cực kỳ quan trọng vì sẽ giúp độc giả nắm bắt được nội dung của toàn bộ nghiên cứu và quyết định có đọc tiếp những thông tin chi tiết hơn trong nghiên cứu của bạn hay không. Khi viết Tóm tắt cần cung cấp đủ các thông tin sau:
- Bối cảnh và mục tiêu nghiên cứu: Trình bày ngắn gọn lý do thực hiện nghiên cứu và câu hỏi trung tâm mà nghiên cứu nhắm đến.
- Phương pháp: Giới thiệu ngắn gọn về các phương pháp được sử dụng, tránh mô tả quá chi tiết về từng bước cụ thể.
- Kết quả: Tóm lược những phát hiện chính của nghiên cứu, nhấn mạnh các kết quả quan trọng.
- Kết luận: Đưa ra kết luận dựa trên các phát hiện của nghiên cứu và ý nghĩa của chúng trong bối cảnh rộng hơn.
Các lỗi thường gặp:
- Cung cấp quá nhiều bối cảnh hoặc chi tiết về nền tảng nghiên cứu, làm mất đi tính súc tích của phần tóm tắt.
- Tham chiếu đến các tài liệu khác, trong khi phần tóm tắt chỉ nên tập trung vào nội dung chính của nghiên cứu này.
- Trình bày quá chi tiết về phương pháp nghiên cứu, gây mất trọng tâm.
- Sử dụng hình ảnh, bảng biểu hoặc các hình thức minh họa, điều này không cần thiết trong phần tóm tắt.
Discussion – Bàn luận

