Cuộc sống như một trò chơi
Bài viết lấy cảm hứng và học hỏi từ khoá học Kinh nghiệm phát triển sự nghiệp của thầy Vũ Trí Đức Thế trên Fonos.
Hành trình chơi game
Trong trò chơi hay trong cuộc đời đều có điểm bắt đầu và điểm kết thúc, đều chỉ có một khoảng thời gian hạn định để bạn được “ở trong cuộc chơi”. Trong trò chơi thì tính từ lúc bắt đầu chơi game đến khi bạn thắng hoặc thua trò chơi đó. Bạn được chọn nhân vật, được chọn bối cảnh, được chọn cách chơi, được chọn người cùng chơi.
Ở mỗi giai đoạn của trò chơi hay cuộc đời, bạn đều phải vượt qua những thử thách để tiến đến giai đoạn cao hơn. Trong trò chơi, những thử thách này được định nghĩa và mô tả rất kỹ càng, bạn thậm chí có thể biết được mục đích cuối cùng bản thân cần đạt được để hoàn thành thử thách và kỹ năng bạn có thể thu được sau đó.
Giả sử bạn có thất bại ở một thử thách nào đó, bạn được làm lại, vô số lần, ở mỗi lần, bối cảnh và những tình trạng liên quan được bảo tồn gần như tuyệt đối. Bạn như thế nào trước khi thất bại, bạn có thể quay trở lại đúng tình trạng đó để bắt đầu lại. Bạn nhiều tiền thì bạn có thể không cần chờ đợi lâu, còn bạn không có nhiều tiền thì bạn phải chờ đợi lâu để nhân vật phục hồi năng lượng và sống lại. Bạn được làm lại vô số lần, và bởi vì luật chơi và bối cảnh không thay đổi, ở các lần sau, bạn càng có nhiều cơ hội để thẳng hơn vì đã rút được kinh nghiệm (một cách chính xác) ở những lần chơi trước.
Nhưng trong cuộc đời thì sao?
Ngoài đời cũng có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Nó cũng chỉnh là khoảng thời gian thôi, và khoảng thời gian đó thì từ lúc bạn sinh ra cho đến khi bạn qua đời
Bạn không được chọn gì cả, từ lúc bước chân vào cuộc đời này.
Bạn có biết là bạn đã chọn sinh ra hay không không? Ba mẹ bạn chọn (chỗ này kiểu ví dụ, theo thuyết luân hồi, tụi mình là một cái linh hồn trước khi sinh ra, tụi mình chọn được sinh ra, chọn người này người kia là ba mẹ, mà tụi mình không nhớ, nên đoạn này tui hông biết nên không dám khẳn định)
Bạn không được chọn tên của mình. Ba mẹ bạn chọn
Bạn không được lựa chọn ngoại hình của mình
Bạn cũng không được lựa chọn gia cảnh luôn
Nhưng bạn vẫn có tất cả những thứ đó, vẫn sống với rất nhiều trách nhiệm
Những thử thách bạn cần phải vượt qua được hiện diện trước bạn thông qua công việc, học tập, đời sống. Và chúng không được định nghĩa một cách rõ ràng. Đôi khi bạn có một con số cụ thể như KPI khi làm việc, đôi khi thì không. Đôi khi những thử thách bạn cần vượt qua rõ ràng như khi đi thi, lên lớp, đỗ đại học, phỏng vấn xin việc công ty, bạn biết mục đích và bạn cần phải làm gì. Nhưng đôi khi những thử thách không rõ ràng như vậy. Đi chơi với bạn gặp trời mưa to mà phải tìm cách về nhà sớm cũng là thử thách. Hôm nay đi học bị điểm kém phải giải thích với ba mẹ sao cũng là thử thách. Đi làm gặp đồng nghiệp không thân thiện mà phải hợp tác làm chung dự án cũng là một thử thách. Nhìn chung, những thử thách trong cuộc đời thì muôn hình vạn trạng. Có đôi khi, bạn coi nó là thử thách thì nó là thử thách, bạn không coi nó là thử thách thì nó là cái gì đó khác ngoài kia. Hoặc đôi khi bạn còn chẳng biết nó là thử thách cho đến lúc bạn vượt qua, thăng cấp và nhìn lại chẳng đường của mình. Những thử thách này, đến chẳng báo trước, đi chẳng tạm biệt, y như cái cách người yêu cũ trap bạn vậy.
Khi bạn thất bại, bạn không thể nào quay đầu mà làm lại cái lần đó được. Bạn chỉ có thể bước tiếp về phía trước, ghi nhớ và áp dụng những điều bạn rút ra được lần thất bại đó, sau đó áp dụng vào lần tiếp theo để hạn chế tối đa sự thất bại của bản thân mình.
Nút PAUSE của cuộc chơi và của cuộc đời
Trong trò chơi lúc nào cũng có nút PAUSE, TẠM DỪNG. Không tham gia vào ván đấu, không tiếp tục thực hiện thử thách nữa. Bạn có thể ra ngoài nghỉ ngơi, uống cốc nước, đi gặp gỡ bạn bè, hoặc đơn giản là bạn chán rồi, bạn không muốn chơi nữa. Đến lúc bạn quay lại, mọi thứ trong trò chơi “có thể” vẫn còn như cũ, hoặc ít nhất là nhân vật của bạn vẫn như cũ. Những người chơi của bạn mà thăng cấp cao hơn rồi thì hệ thống lại tìm bạn mới, cùng cấp độ với bạn để chơi, quá đơn giản,
Nhưng cuộc sống hiện thực không có cái PAUSE theo cái nghĩa đen đó. Khi mình tạm dừng, mình phải trả giá.
Những bạn nghỉ ở nhà sinh em bé sau đó quay trở lại phải chấp nhận với sự thay đổi chóng mặt của công ty, nhân sự và thời nay là công nghệ nữa. Phải cố gắng hơn nhiều lần để đuổi kịp tốc độ của những người cũ ở công ty
Những bạn dành 1 năm nghỉ ngơi (gap year) trước khi vào đại học hoặc đi làm, cũng phải chấp nhận là đến lúc các bạn quay lại, những bạn đồng trang lứa có thể đang ở vị trí rất khác, sự trưởng thành và phù hợp của bạn với môi trường bạn đang mong muốn như trường đại học hay công ty, phải lớn hơn, để bạn có thể cạnh tranh được với không chỉ hồ sơ của những người cũ, mà hồ sơ của những người mới muốn vào môi trường đó.
Dĩ nhiên, cuộc đời cũng sẽ đưa cho bạn những người chơi cùng cấp độ, nhưng bạn phải tự mình tìm thấy họ. Những người có cùng định hướng và mục đích, thường sẽ tìm thấy nhau đâu đó trên đường đời.
Nhìn chung là gì?
Cuộc đời thì cũng giống một trò chơi thôi, nhưng bạn cần hiểu luật chơi của nó để có thể dành được phần thắng cao hơn.
Khác với game, nơi có nút “pause” cho phép người chơi tạm nghỉ ngơi trước khi quay lại, cuộc sống không dừng lại theo nghĩa đen. Mỗi lần “tạm dừng” hay bước chậm lại đều có cái giá của nó, và khi đã qua, không có cách nào quay lại chính xác khoảnh khắc ấy. Thứ chúng ta giữ lại chỉ là kinh nghiệm để áp dụng cho những lần sau, giúp hạn chế thất bại.
Để tăng khả năng thắng trong trò chơi cuộc đời, ta cần tìm ra những nguyên lý bền vững, phương pháp cốt lõi, những giá trị không đổi qua thời gian để là nền tảng cho chính bản thân mình. Đồng thời, cũng phải sẵn sàng mở lòng học hỏi, linh hoạt với hoàn cảnh để vừa có nền tảng vững vàng, vừa có khả năng ứng biến và thích nghi.
Xem thêm bài viết về Khả năng thích nghi