Giả định ngầm của tư duy và tư duy phản biện
Mắc gì phải tư duy phản biện?
Theo một nghiên cứu được công bố trên tập san Science năm 2019 về cuộc bầu cử Mỹ năm 2024, 6% lượng thông tin lưu thông là tin giả, 1% người dùng mạng xã hội (Twitter) lan truyền 80% tổng số tin giả và chỉ 0.1% người dùng tạo ra các tin này.
Tại Việt Nam, trước năm 2020, mỗi năm chỉ có khoảng 10-50 ca mắc bệnh bạch hầu trên cả nước, chủ yếu ở vùng sâu vùng xa và những người không tiêm vaccine. Sau năm 2020, số lượng các trường hợp tăng nhanh và quay trở lại. Năm 2024, nhiều địa phương đã công bố dịch. Đáng chú ý, Bạch hầu có thể phòng tránh bằng vaccine. Nhưng phong trào anti vaccine đã góp phần giảm thiểu tỷ lệ tiêm chủng của nhiều địa phương. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra đối với bệnh sởi.
Tuỳ thuộc vào bệnh, miễn dịch cộng đồng đạt được khi có khoảng 70% đến 95% dân số trong cộng đồng được tiêm chủng.
Ví dụ cần 95% dân số tiêm chủng sởi để đạt miễn dịch cộng đồng do mức độ lây lan nhanh của nó
Nhưng chỉ cần 90% dân số tiêm chủng bại liệt là có thể đạt miễn dịch cộng đồng
Mục đích của Tư duy phản biện là để nhìn rõ chuyện gì đang xảy ra và nhận thức rõ được hiện thực khách quan.
Theo giáo sư Bill Gormley, giáo sư tại Đại học Georgetown tác giả cuốn sách The Critical Advantage, Developing Critical Thinking Skills in School, tư duy phản biện có 3 thành phần chính
- Khả năng nhận ra được điểm yếu trong quan điểm của người khác
- Khả năng sẵn sàng mang những luận điểm tốt và bằng chứng tốt để chứng minh quan điểm của mình
- Khả năng phản tư và thay đổi những quan điểm, niềm tin và giả định của chính bản thân mình
Nếu thực hành tốt, tư duy phản biện có thể giúp chúng mình nhận định thông tin giả, tìm kiếm thông tin thật, và tăng thêm kiến thức cho bản thân mình.
Bạn có thể chọn, giữa việc tiếp nhận và tin tưởng tất cả những thông tin được đưa cho mình,
hoặc là,
tiếp nhận thông tin như một thám tử, nhận biết chúng, hiểu chúng, và giải mã chúng.
Thứ khó nhất trong thực hành tư duy phản biện, là hiểu giả định ngầm
Giả định ngầm xuất phát từ những niềm tin, trải nghiệm cá nhân và là lập luận ẩn vì ở tầng vô thức (unconscious level of thought) nên không được nhận thức, không được viết ra, không được nói ra hay bất cứ hình thức truyền đạt nào khác nhưng lại điều hướng toàn bộ những hàm ý và kết luận của tư duy.
Do đó, việc hiểu giả định ngầm không phải chỉ là của đối phương, mà còn của chính bản thân mình. Vì chúng ta đều có giả định ngầm của chính mình, và không chỉ một. Mỗi một giả thuyết hay lập luận mà chúng ta đưa ra đều có một giả định ngầm đứng sau nó. Và quá trình hình thành giả định ngầm mới diễn ra hằng ngày. Mỗi ngày học thêm một điều mới, là học thêm một giả định ngầm mới.
Vì sao giả định ngầm lại quan trọng?
Vì giả định ngầm “điều hướng và chi phối toàn bộ những hàm ý và kết luận của tư duy”, giống như là “nguyên nhân thật sự của lựa chọn/quyết định của họ là gì?” vậy. HIểu được giả định ngầm là hiểu được nguyên nhân đứng sau lựa chọn và quyết định. Chỉ khi đó, những luận điểm phản biện cho lựa chọn và quyết định đó mới có thể làm chúng lung lay và thay đổi.
Và không phải giả định ngầm nào cũng sai và không phải giả định ngầm nào cũng đúng.
Nhưng nếu không nhận ra giả định ngầm và kiểm chứng nó, ta rất dễ cho là nó đúng. Không phải giả định sai thì kết quả cũng sai. Nhưng nếu dựa trên một giả định ngầm sai, kết quả cuối cùng sẽ thiếu logic và tính thuyết phục. Dĩ nhiên không phải logic nào cũng có thật, nhưng khi đã thừa nhận một giả định ngầm sai, người ta dễ có xu hướng tin vào những logic hoang đường.
Until you make the unconscious conscious, it will direct your life and you will call it fate. – Carl Gustav Jung
Làm thế nào để nhận ra và phản hồi khi xác giả định ngầm?
Đặc trưng của giả định ngầm là không có bằng chứng cụ thể. Khi có bằng chứng ủng hộ, nó không còn là giả định nữa, mà trở thành khẳng định. Vì thế, đối với điều bạn không biết và không có bằng chứng chứng minh, thì nó luôn là giả định. Khi người nói nhắc đến việc “Tôi có một giả định thế này…” thì nó là giả định công khai. Còn nếu họ không nhắc đến và sử dụng nó như một bối cảnh hoặc tiền đề cho câu chuyện, thì nó là giả định ngầm.
Khi đã nhận thức được giả định ngầm, bạn có thể tiếp tục đối thoại theo những cách sau đây:
- Chỉ ra giả định ngầm và những vấn đề của nó, yêu cầu bằng chứng cho giả định ngầm
- Hãy luôn tìm kiếm bằng chứng ủng hộ hoặc phản bác cho giả định đó.
- Trực tiếp loại bỏ phần giả định và đưa ra câu trả lời cho một câu hỏi mới (điều mọi người khuyên). Hoặc thừa nhận giả định nhưng thêm vào các trường hợp giả định khác để tiếp tục câu chuyện (Điều mình hay làm). Điều này cũng giúp bạn có thể nhìn vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau.
- Chấp nhận quan điểm của đối phương dựa trên giả định ngầm. Tiếp tục lắng nghe quan họ và đưa ra quan điểm của bản thân.
Nhưng điều quan trọng nhất, là phải nhận ra giả định ngầm.
Chất lượng của tư duy của một người phụ thuộc vào chất lượng đúng đắn và chính xác của những giả định ngầm mà họ có
Tài liệu tham khảo
- Why vaccination is important and the safest way to protect yourself?
- First phase of polio campaign concludes successfully in Gaza
- Snuck Premise
Bài viết nằm trong thử thách viết 30 ngày của Writing On The Net 7
#wotn7