giu-lai-do-ky-niem-va-hoi-chung-tich-tru-do-dac
Kim nghĩ gì?,  Những câu chuyện từ rất lâu về trước

Giữ lại đồ kỷ niệm và Hội chứng tích trữ đồ đạc

Câu chuyện thứ nhất

Mình có thói quen giữ lại vở ghi đã từng học, cứ viết hết r lại bỏ vào tủ, chẳng nghĩ ngợi gì, nhiều tới mức đầy cả 1 tủ toàn vở cũ rồi mà vẫn chẳng muốn bỏ đi. (Mình nghĩ do mình lười nên thế ^^). Nhưng mình biết, với mình thì những cuốn vở đó nhiều hơn cả chữ “cũ”.

Hồi cấp 3 mình hay xem lại vở ghi cũ, sách cũ, một phần vì chẳng nhớ lắm nhiều thứ cần phải nhớ, một phần vì tìm gì đó rồi tiện tay mở ra xem..

vo-ghi-cu
Một trang trong cuốn vở ghi của mình

Cho đến khi mình học xong kì 1 năm nhất đại học, mình chẳng còn ở bên cái tủ ấy mà thuận tay bỏ sách vào, cũng chẳng có nhiều thời gian để lưu luyến này kia, vở ghi cũng không còn được mình giữ lại nữa.

Rồi mới nhận ra lúc mở những cuốn vở cũ kia ra, mình đều bất giác mỉm cười…

  • Có những câu chữ ngô nghê, những kiểu chú thích và viết tắt giờ đọc chẳng hiểu nổi là gì…
  • Có cả điểm cô chấm vở xen kẽ những trang viết vội vì chẳng nghe kịp bài…
  • Có cả những cuộc đối thoại ngắn ở trang cuối cùng của vở, hay những mẩu giấy nói chuyện trong lớp chưa kịp phi tang… (được kẹp đâu đó trong quyển nào đó)

Hoá ra là những năm tháng ấy đã trôi qua tươi đẹp và thuần khiết đến thế…

Hoá ra là những quyển vở ấy đã ghi lại một phần hồi ức ngọt ngào ấm áp nhất mà mình chưa bao giờ muốn quên, chưa bao giờ muốn buông bỏ

Cho nên mình mới lưu luyến đến thế =)))

Không có câu chuyện thứ hai nhưng có bài học để phản tư

Sau khi lớn hơn rồi, mình phát hiện ra có một hội chứng gọi là “Hội chứng tích trữ”, liên quan đến việc giữ lại những đồ đạc cũ, nhất là những đồ đạc không còn tác dụng, một cách lộn xộn trong nhà. Và việc xảy ra hội chứng này có liên quan tới một số vấn đề tâm lý (vì chưa thể kết luận mối quan hệ nhân quả) như rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay tổn thương tinh thần/sang chấn tâm lý trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời. Hội chứng này sẽ tăng nặng theo tuổi và đồng thời cũng gia tăng các vấn đề tâm lý như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu, trầm cảm… Và mình, thỉnh thoảng, tìm thấy mình trong đó. Ví dụ như là Mình hay giữ lại một số đồ vật với tâm lý “Cái này vẫn còn dùng được nè, giữ lại biết đâu khi nào cần tới”, nhưng sự thật là nếu không cần ngay mà một thời gian sau mới cần thì điều đầu tiên hiện ra trong đầu mình là mua cái mới vì không nhớ để cái cũ ở đâu. (Chí có 1 ví dụ này, không có ví dụ khác. Và ví dụ làm mình sợ thôi chứ không đủ để kết luận. Kết luận là đừng nghĩ quá nhiều :)))

Từ lợn lành hoá lợn què, mình bắt đầu overthinking về việc “Mình có phải bị hội chứng này không ta?”

Mình (có thể, who know??) không bị, nhưng mình rất có nguy cơ sẽ bị, nếu không tích cực phản tư mỗi ngày để tỉnh táo hơn trước những lựa chọn lối sống.

Và mình đã làm gì?

  1. Ghi lại câu chuyện của mỗi đồ vật mà mình giữ lại: Điều gì làm nó trở nên đặc biệt và điều gì từ nó khiến mình hạnh phúc. Ví dụ như là: cái giấy khen này nhận được hồi lớp 5, đi thi, xong lúc thi không biết đã ghi tên mình như thế nào, nhưng lúc thông báo về trường vẫn có giải. Giờ vẫn không biết cái giải đó có thật là của mình không. Hay là mấy cuốn sách kia nữa. Điều này khiến mỗi thứ mình giữ lại đều đặc biệt và đáng giá.
  2. Giới hạn không gian: Mình được giữ lại đồ đạc, nhưng không được vượt quá không gian mà mình giới hạn cho chính bản thân mình (ví dụ trong trường hợp này là cái tủ)
  3. Giới hạn đồ vật: Mình chỉ chọn giữ lại những thứ thật sự quan trọng và ý nghĩa. Có bạn bảo, nếu cảm thấy thứ nào cũng quan trọng thì sao? Thì giữ lại một vật đại diện thôi là được. Đương nhiên là với những thứ như bằng khen, giấy khen, huy chương thì cứ giữ càng nhiều càng tốt nhé. Giữ lại sau mà khoe con khoe cháu là ngày xưa ông bà từng giành được cái này.
  4. Tập thói quen sống tối giản đối với những đồ vật hằng ngày mà không phải đồ kỷ niệm.  Nếu đồ nào quá 1 tuần không còn muốn mua nữa. Không mua. Nếu đồ nào quá 1 tháng mình không đụng đến. Bỏ. Nếu quần áo (dù là đồ tặng), nếu 2 tháng mình không mặc. Bỏ luôn.

Nhưng mà, nếu bạn vẫn hạnh phúc, nhà cửa vẫn gọn gàng, bạn vẫn biết đồ đạc của mình để ở đâu và làm thế nào để tìm chúng. Thì chắc là bạn cũng như mình, không có sao nha :3

P/s1: Mình vẫn hạnh phúc với những cuốn sách và đồ kỷ niệm cũ chứa đầy yêu thương. Thậm chí mình đã nghĩ, sau này có con, mình sẽ cùng con ngồi trước hiên nhà, cùng con xem những quyển vở ghi năm ấy, vừa hay có thể an yên kể với bé “Ngày xưa…”. :)) Vì mình nghĩ yêu thương cũng chỉ từ đơn giản vậy mà lớn dần lên thôi.

P/S2: Thật ra ban đầu chỉ định viết về mấy cuốn sách kỷ niệm hạnh phúc, vì hôm nay bận quá, chỉ muốn viết về những điều khiến mình vui mà không phải nghĩ nhiều như khi chia sẻ kiến thức. Nhưng đang tham gia thử thách viết mà, nên viết thêm vài dòng, ^^

Tài liệu tham khảo

Cho những vấn đề liên quan đến các rối loạn tâm lý là nguyên nhân và hậu quả của Hội chứng tích trữ

  1. Prevalence and correlates of hoarding behavior in a community-based sample

  2. Excessive acquisition in hoarding


Bài viết nằm trong thử thách viết 30 ngày của Writing On The Net 7

#wotn7

One Comment

  • Le Hoan Phuong Thao

    Với em thì ba mẹ em là người cất giữ những cuốn vở em viết hồi cấp 1 ạ, cho đến khi nó nhiều quá, phải tẩu tán bớt thì hè chuyển cấp đó, ba em rủ em ngồi xé từng đôi vở rồi dùng hồ, keo dán thành những túi đựng thuốc giấy thay cho những bịch nilong mà ba em khám bệnh hay kê thuốc cho bệnh nhân. Đó là một kỷ niệm rất đẹp với em, rồi cả cảm giác được các anh chị, cô chú, ông bà đến khám khen con nhà Bác Sỹ viết chữ đẹp nữa.

    Cảm ơn chia sẻ của chị, em thấy đầy tích cực và có tính áp dụng ạ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *