
Kim ở Okazaki và Chương trình thực tập sinh ở NIPS
Kim ở Okazaki và Chương trình thực tập sinh ở Viện Khoa học Sinh lý Quốc gia Nhật Bản (National Institute for Physiological Sciences – NIPS). Chương trình được tổ chức mỗi năm, bạn có thể tìm hiểu ở đường link này
Mình nộp hơ sơ vào NIPS từ tháng 1 năm 2020, hồi mình đang học đại học năm thứ 5 (hay năm thứ 4 nhỉ?), chuyến đi sẽ vào hè cùng năm đó. Sau khi nhận được thông tin mình được nhận để tới NIPS thực tập 2 tuần, thì tình hình COVID-19 trở nên căng thẳng, chuyến thực tập của mình bị dời vô thời hạn. Kể ra nếu hồi đó đi tới NIPS, chắc có lẽ mình sẽ không tới Hàn mà tới luôn đó để học PhD.
Cho tới tháng 4 năm 2022, mình đã ở Hàn được 1 tháng, thì thầy Nambu từ NIPS gửi email hỏi mình còn tham gia được không?
Ơ được ạ :3
Mình hỏi thầy mình ở SKKU và rep email đồng ý ngay tắp lự không có suy nghĩ gì.
Mình đến NIPS vào một ngày đầu tháng 7
Mình nộp hồ sơ đi khoa Thần Kinh và Khoa Chuyển hoá.
Trước khi sang, thầy gửi email bảo “Lịch trình của em như này nè, em có thời gian rảnh vào những ngày này nè, em nên đi dạo xung quanh đi không cần phải chỉ nhìn vào mỗi Neuroscience đâu”.
Hôm đầu tiên đến Khoa Thần Kinh, toà nhà cực kỳ cũ, không phải cũ kỹ mà là mang dáng hình của những năm tháng xưa cũ ý. Mặc dù mình mới sống được hơn 20 năm, cũng không biết những 100 năm hay 200 năm trước thì như thế nào, nhưng toà nhà ở đó cho mình cảm giác vậy.
Trong phòng làm việc của thầy Nambu, giấy tờ chất thành đống cao tới trần nhà (phải gấp 3 lần chiều cao của mình, tức là chồng 3 mình lên thì mới bằng chiều cao của chồng giấy cao nhất), mà không phải một chồng, mà là một đống. Cả phòng có 1 lối đi lại, một chiếc bàn to, một bàn tiếp khách, tủ sách 2 bên tường, cũng cao, còn không gian còn lại là giấy tờ. Mình thích cái không gian cũ kỹ đó.
Một tuần ở Khoa Thần Kinh là học về cơ chế bệnh sinh của Parkinson và Alzheimer, học về cách các thầy cô ở đây đã làm nghiên cứu như thế nào.
Philip, người Nga, là bạn cùng mình ở khoa thần kinh. Kết thúc buổi học đầu tiên là phần thảo luận về ngôn ngữ, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Nga, tiếng Việt, tiếng Hàn.
Những máy móc ở Viện đều cực kỳ cơ bản, ví dụ cái này để ghi lại những tín hiệu từ não chuột
Còn đây là một hệ thống tương tự, nhưng chúng mình đang trong phòng làm thí nghiệm trên não khỉ
Và một buổi học để tự tạo một chiếc điện cực mini để gắn vào não chuột để đo tín hiệu nữa, giờ mình vẫn giữ thành quả và hướng dẫn nhưng không nhớ cách dùng nữa
Qua khoa Nội tiết và chuyển hoá mình được học những con đường và cơ chế ở não để điều hoà vị giác và cảm giác thèm ăn, mình tự làm tiêu bản não chuột nữa
Những điều mình phát hiện ra về bản thân
Có lẽ mình sẽ không bao giờ làm nghiên cứu trên động vật được, đặc biệt là động vật còn sống, động vật chết thì oke không sao. Trước chuyến đi, mình đã từng thử làm các thử nghiệm trên chuột, thỏ và ếch ở trường đại học. Mình cảm thấy khá là bình thường.
Cho tới chuyến đi này, mình hơi sợ. Không phải hơi sợ đâu, mình sợ. Mình được quan sát các thí nghiệm thực hiện trên chuột và khỉ sống thì mình ở vai trò là người quan sát, không hơn.
Những người thầy từng xuất hiện trong cuộc đời mình đều là những người mình may mắn được gặp. Và mình được gặp những người thầy tốt. Bốn người thầy mang ý nghĩa lớn nhất trong cuộc đời làm khoa học của mình, những người gieo những hạt giống đầu tiên cho sự nhận thức ban sơ của mình về khoa học, đều là những người đủ tầm nhìn, đủ kiến thư. Những người luôn ủng hộ sự tò mò và dung túng sự ngốc nghếch của mình. Những người luôn khuyến khích mình bộc lộ bản thân, đặt câu hỏi, hướng dẫn mình cách đặt một câu hỏi tốt. Những người luôn chân thành, nghiêm túc và hết mình với khoa học, và với sinh viên.
Những người luôn củng cố trong mình niềm tin rằng, hật ra thì làm khoa học không khó đến thế, chỉ là phải nghiêm túc và chân thành. Mặc dù những thứ được viết trên báo, những điều được hiển thị ở tiêu đề đều vô cùng to lớn và vĩ đại, nhưng có điều vĩ đại nào lại không bắt đầu từ một dấu chân nhỏ, khởi đầu từ một ý tưởng bình thường hay một câu hỏi ngốc nghếch.
Nên mình không tự ti nữa. Mình tin tưởng bản thân nhiều hơn. Mình chấp nhận bản thân nhiều hơn.
Chấp nhận bản thân chưa đủ giỏi, chân chưa đủ vững, tiến chưa đủ xa, nhưng vẫn kiên trì tiến về phía trước.
Ngoài NIPS thì Okazaki trong mắt Kim
Yên bình quá đỗi
Từ ô cửa sổ phòng mình nhìn ra là bầu trời xanh ngắt, buổi sáng thức dậy có tiếng chim nữa, yên tĩnh tuyệt đối.
Còn đây là view ăn trưa
Đường từ ký túc xá tới Viện, khoảng 5 phút đi bộ
Okazaki giống ở Hàn, có những con sông dài, bờ sông đầy cỏ, xanh ngắt. Nhưng Okazaki yên tĩnh kỳ lạ, mùa hè lặng thinh trên những con đường đầy nắng. Chiếc tàu điện đưa mình từ sân bay vào trung tâm thành phố đi qua những cánh đồng xanh, những ngôi nhà thấp thoáng sau những rặng cỏ cao, những bãi đỗ xe trống rỗng và những cây cầu vòng vèo. Và, rất nhiều những cánh cổng kiểu Nhật.
Okazaki tịch mịch và quá đỗi cô đơn. Nhưng Okazaki cũng kiểu “đừng ai phá vỡ sự cô đơn ấy”.
Trong suốt 2 tuần ở Okazaki, những nơi mình đến chủ yếu là loanh quanh trên những con đường và những ngôi đền chùa.
Thật sự là mình khá thích Okazaki, Nhưng cửa hàng ở Okazaki đóng cửa lúc 7 giờ tối. Mình kiểu…, điểm trừ duy nhất, xin thề.
x
