lam-dieu-minh-khong-thich-de-duoc-lam-dieu-minh-thich
Kim nghĩ gì?

Làm điều mình không thích, để được làm điều mình thích

Làm việc mình thích mỗi ngày và bạn sẽ cảm giác như mình không phải làm việc một ngày nào trong đời.

“Do what you love and never work a day in your life”

Thử nhìn lại chính bản thân mình, khi bạn làm điều bạn thích, bạn ít phải cố gắng và nỗ lực hơn, bạn tự tìm cách để hoàn thành nó mà ít cần kỷ luật hơn, nhưng bạn lại cũng cố gắng hơn. Kết quả là công việc hoàn thành tốt hơn, tâm trạng và cảm xúc của bạn cũng tốt hơn. Bạn có thêm nhiều dopamin để làm việc và hoàn thành công việc hơn.

Nhưng có bạn bảo

Bạn có còn hạnh phúc nếu 365 ngày đều làm công việc đó, lặp đi lặp lại hằng ngày, kéo dài trong 15- 20 năm hay không?

Mình không chắc

Mình tin bạn cũng không chắc.

Thì tụi mình cũng đã trải qua đâu mà biết

Hm, mình mới 26 tuổi, công việc dài hạn nhất mình làm tới thời điểm hiện tại là học Y – 6 năm và làm nghiên cứu sinh – 3 năm.

À mình có làm con của ba mẹ mình, 28 năm. (dĩ nhiên là không được chọn, anyway, nhưng mình vẫn xem nó là công việc bản năng, để mà cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày)

Hỏi mình có hạnh phúc không, thì mình bảo có.

Hỏi mình có lúc nào không hạnh phúc không, mình cũng bảo có.

Chỉ là cái khoảng thời gian hạnh phúc nhiều hơn những lúc mình phải vất vả chật vật. Và hầu hết những khoảng vất vả chật vật mình vẫn luôn tiến lên đến cái đích mình tự tạo ra cho chính mình.

Nên nhìn chung, mình vẫn hạnh phúc.

Và ít nhất là mình sẽ không hối hận về lựa chọn của mình

Ngược lại nhé

Nếu bạn chọn một việc bạn không thích, bạn có thể làm nó 365 ngày, kéo dài trong vòng 20 năm không? Và bạn có hạnh phúc không? Và bạn có hối hận không?

Chắc nhiều bạn, không phải tất cả, nhưng sẽ có ngay câu trả lời cho bản thân là không.

Nếu bạn không hạnh phúc, tại sao bạn lại phải bắt đầu?

Người ta thường đặt lên bàn cân giá trị tiền bạc và giá trị tinh thần.

Có người làm vì tiền, để nuôi sống bản thân và gia đình. Có tiền thì bớt áp lực, không phải suy nghĩ gia đình hôm nay ăn gì, mặc có đủ ấm không. Nhìn bản thân và những người mình yêu được chăm sóc, được đáp ứng những nhu cầu cơ bản, cũng là một loại hạnh phúc đó thôi.

Có người làm vì họ giỏi cái việc đó, nhưng đó chưa chắc hẳn đã là điều họ thích và làm họ hạnh phúc. Nhưng đến một mức độ công việc yêu cầu độ khó cao hơn, người ta dần mất động lực và phương hướng. Mình có thích đâu mà phải cố nhiều vậy?

Tới tận 20 năm sau, bạn có chắc là mình không hối hận vì không dám mạnh mẽ thử một lần theo đuổi sở thích của mình không?

Giả sử nó không hợp thì ít nhất là bạn còn thử cho nó và cho bản thân mình cơ hội để thử.

Tại sao có bạn chọn một nghề mình thích, sau đó vài ba năm sau cảm thấy không còn hạnh phúc với nghề đó nữa?

Phần lớn là do bạn không đủ giỏi để biến sở thích đó thành đam mê, thành sự nghiệp.

Phần nhỏ sau đó, là bạn không có đủ hình dung về lựa chọn của bản thân.

Đầy đủ hình dung tức là cả mặt tốt, và mặt xấu. Cả những điều bạn đạt được, và những điều bạn cần phải trải qua.

Vì không có đủ hình dung, nên đôi khi bạn chán nản, bạn thất vọng, bạn tự bỏ rơi chính mình.

Ví dụ một bạn thích theo ngành y nhưng đến lúc vào rồi thì phát hiện buổi sáng đi lâm sàng, buổi chiều đi học, tối lại còn đi trực, không còn thời gian yêu đương, thậm chí không có cả thời gian đọc lại bài cũ. Tối về hoặc cuối tuần mệt quá chỉ muốn đi ngủ. Chưa kể những vấn đề khác xoay quanh như các mối quan hệ, cách cư xử với thầy cô, bệnh nhân, người nhà. Kiến thức thì cứ tích luỹ từng ngày, mỗi ngày một nhiều thêm. Một thời gian sau thì không theo kịp bài, không còn thấy hứng thú và đam mê đi học nữa. Bạn dần mệt mỏi và suy sụp với chính sở thích của mình, mặc dù ngày xưa đã từng hoặc kể cả bây giờ vẫn còn rất thích nó. Giống như bạn cứ xây những bậc thang đi xuống, rồi bạn đi xuống thôi.

Nhưng cũng có rất nhiều các bạn khác, sắp xếp lại thời gian biểu của mình. Điều chỉnh các lịch sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ để thích hợp với lịch trình đi viện. Tối về đi ngủ luôn nhưng sáng dậy học lại bài trước đi đến lớp. Tập thể dục hằng ngày để cải thiện sức khoẻ và sức bền. Nói chung là có nhiều cách lắm. Cuộc đời sinh viên y gần như các bạn sẽ phải tự vật lộn và vật lộn trong suốt cả quá trình, hoặc ít nhất là 2 năm đầu để thích nghi và xây dựng thói quen của riêng mình.

Ở ví dụ này,

  • Điều bạn thích có thể là
    • Được mặc áo blouse
    • Được đi viện
    • Được tiếp xúc với bệnh nhân
    • Được học hỏi từ các thầy cô lớn
    • Hào quang của ngành y xung quanh bạn, dù bạn chưa làm được gì
  • Điều bạn không thích có thể là
    • Ở viện không có phòng nghỉ cho sinh viên
    • Ở viện có chị điều dưỡng trực cùng tua sao mà khó tính quá
    • Từ lúc kết thúc lớp học lâm sàng ở viện đến lúc bắt đầu giờ học ở trường nhiều khi chỉ có 1 tiếng rưỡi, và trường bạn thì cách viện 10km
    • Lúc đi trực có bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân ngừng tuần hoàn mà nhiều khi bạn không cứu được, có những chuyện ở ngoài khả năng
    • Từ lúc học xong ở trường tới lúc đi trực ở viện chỉ có 2 tiếng, và trường bạn thì cách viện 10km
    • Hôm nay bận mà thầy cho tận 2 bài luận là bài tập về nhà, cuối tuần phải nộp luôn
    • Ngoài môn học bạn thích chuyên môn Y, bạn phải học thêm cả chục môn khác mà bạn chẳng biết ý nghĩa của nó là gì, như xác suất thống kê, triết học, vật lý đại cương,… (Nhưng đến khi học lên cao hơn thì bạn biết ý nghĩa của chúng rùi đó)

Nếu không có tình yêu, liệu bạn có sẵn sàng nỗ lực nhiều, thậm chí là rất nhiều hay không để vượt qua, cải thiện những điều bạn không thích đó không?

Dĩ nhiên, khả năng của mỗi người là khác nhau, và kỹ năng của mỗi người cũng khác nhau. Nhưng điều may mắn làm cả hai điều này đều có thể xây dựng theo thời gian, và cần rất nhiều nỗ lực.

Hào quang sẽ luôn đi cùng với khó khăn

Những điều mà bạn thích sẽ luôn có tệp đính kèm là những điều bạn không thích.

Khi bạn lựa chọn điều mình thích, bạn cũng phải chọn sống chung và học cách thích nghi với những điều bạn không thích nữa. Bất kể cả con người hay công việc.

  • Ví dụ trong tình yêu, bạn yêu một người đẹp trai, lãnh đạo giỏi, giỏi kiếm tiền, có thể giỏi cả nấu ăn, nhưng bạn sẽ phải chấp nhận người ta không giỏi chăm con mèo của bạn. Hoặc có người giỏi chăm con mèo của bạn thì người ta lại không giỏi nấu ăn. Hoặc có thể ổng giỏi cả chăm mèo và nấu ăn, nhưng lại không giỏi đọc hiểu suy nghĩ của bạn. Kiểu vậy, trong quá trình yêu nhau (hoặc là sống chung), sẽ có rất nhiều vấn đề như thế. Kể cả bạn cũng đâu có hoàn hảo 100% đâu phải không? Bạn cũng có những điều “người đó kỳ vọng bạn có nhưng bạn lại không có”. Thì chúng mình bỏ mối quan hệ đó đi hay sao?
  • Ví dụ trong công việc, thì nhiều
  • Hào quang của diễn viên trên sân khấu hoặc trên màn ảnh, bạn thấy sao mà đẹp quá, toả sáng quá. Nhưng đó chỉ là 10% của câu chuyện ngày hôm đó. 90% còn lại là tập đi, tập chạy, tập cười, tập biểu cảm, cái nào cũng tốn cả giờ, hoặc cả ngày, cả tháng, cả năm. Là cảnh quay hỏng, quay đi quay lại, quay dưới nước, quay trên trời. Quay hỏng bao lần, quay mất bao lâu là chừng ấy thời gian ngâm mình trong nước, thậm chí trong bùn, hay treo mình trên không trung. Ví dụ cho những khó khăn về thể chất
  • Nghề viết, để có được bản thảo dài 100 trang, nhiều khi là 100 ngày ngồi trước máy tính mà không biết viết gì. Hành trình đối thoại với chính mình không có kết quả, không thể xả được cho ai, cuối cùng lại xả vào chính mình. Bạn viết tiểu thuyết, bạn sống trong nhân vật của mình, bạn trầm cảm theo nhân vật, rồi bạn không thể thoát ra, bạn lại phải học cách thoát ra, mất cả ngày, cả tháng, cả năm trời. Ví dụ cho những khó khăn về tinh thần.
  • Những bạn trẻ mà người đời hay ca tụng là tài năng, đi cùng là cả tuổi thơ gần như bị đánh cắp, để tập luyện, để nuôi dưỡng, để sống cùng với tài năng đó. Họ cũng trả giá bằng tuổi thơ.
  • Làm giáo sư đại học (ở nước ngoài), lương cao, được mời đi giảng, kiếm được nhiều tiền, được giải thưởng danh giá. Nhưng cái người ta không kể là những đêm thức trắng, viết đề xuất xin tiền làm nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng cho sinh viên, đi qua những giai đoạn kết quả nghiên cứu không có gì, phải giao tiếp với những giáo sư khác, theo dõi tiến độ công việc của sinh viên. Áp lực từ sinh viên, từ trường, từ quỹ nghiên cứu.
  • Các bạn nộp học bổng du học, các trường top 1, top 2 trên thế giới. Nhưng đằng sau đó là cả 100 hoặc 1000 đơn nộp cho các trường khác ròng rã trong vài năm trời, và bị từ chối.
  • Kể cả nghề lái xe, ví dụ bạn thích vì được đi đây đi đó, đi khắp thành phố, ngắm nhìn phong cảnh. Nhưng thỉnh thoảng sẽ gặp khách khó chịu, thỉnh thoảng khách còn làm bẩn xe, thỉnh thoảng lại còn không có khách.

Biết trước được khó khăn rồi thì mình làm gì?

Thì mình tìm cách

  • Anh người yêu không biết chăm mèo thì mình chăm, không biết nấu ăn thì mình nấu, không tự hiểu được thì mình nói. Chúng mình đều cần thời gian mà phải không?
  • Đi diễn mà gặp kịch bản khó quá thì liên hệ với những người giỏi chuyên môn, học trước cái kỹ năng đó
  • Lúc viết mà khó khăn quá cũng liên hệ những người đi trước để hỏi xem.
  • Lúc bị từ chối mình chuẩn bị bản thân thêm, học thêm những kỹ năng còn thiếu, xây dựng thêm điểm mạnh cho hồ sơ của mình. Có bạn bảo, bị từ chối 1-2 lần buồn kinh khủng, nhưng đến lần thứ 10 thì bớt buồn lại rồi. Chính vì vượt qua được những khoảng như thế, nên mới đợi được đến ngày bản thân đủ trưởng thành và cứng cáp đỗ được các trường top 1 hay top 2 thế giới.

Thật ra làm những điều đó không dễ, nhưng ít nhất là mình biết là vấn đề đó nó có tồn tại, để mình biết là có cách, để mình chuẩn bị trước cách đối phó và vượt qua. Nếu bạn thật sự rất thích, bạn cứ đi, rồi bạn sẽ biết nhiều hơn, bạn cũng sẽ tìm được nhiều cách hơn.

Nói tóm lại

Nhìn rộng ra, nghề nào cũng sẽ có hào quang và cũng sẽ có khó khăn. Mà thường, người ta không chia sẻ về những khó khăn đó, truyền thông tập trung hơn vào sự thành công và hào quang. Nên đôi khi bạn không biết rằng những người đi trước cũng đã phải trải qua những khó khăn đó rồi.

Đến khi bạn bước vào rồi, thì mới biết con đường này để đi được sao mà cực khổ quá. Mà thật ra có con đường nào là dễ dàng đâu.

Đừng chỉ nhìn hào quang của một vấn đề hay của một ngành nghề. Bạn cũng cần phải nhìn được cả những mặt tối tăm và đau đớn của nó nữa. Và không chỉ nhìn được, bạn còn phải chấp nhận nó, trải qua nó, sống cùng nó, để sống cùng vấn đề và ngành nghề đó.

Khi bạn có đủ hình dung về những điều mình sẽ đạt được, và những điều mình sẽ cần phải trải qua, bạn sẽ có kế hoạch, có lộ trình, hoặc ít nhất có sự chuẩn bị tâm lý cho hành trình sắp tới. Bạn sẽ tìm cách đương đầu trước khó khăn, thay vì để khó khăn hạ gục bạn một cách bất ngờ và đầy đau đớn. Và bạn còn có trách nhiệm với điều bạn chọn nữa, để đi cho đến cùng, mà không chỉ đến cùng, mà còn đến cùng một cách rực rỡ.

Suốt cả hành trình sống, và được sống, đều là những sự lựa chọn và trả giá. Vấn đề chỉ là bạn có dám, sẵn sàng và đủ khả năng trả giá hay không thôi.


Bài viết nằm trong thử thách viết 30 ngày của Writing On The Net 7

#wotn7

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *