Làm thế nào để viết một bài báo nghiên cứu khoa học?
Những câu hỏi trước khi bắt đầu
- Cái bản thảo này có đáng để viết hay không? Cái chữ “đáng” nó cũng nhiều khía cạnh lắm, bản thân chủ đề đó đáng để viết, hoặc là nó có tính mới trong lĩnh vực.
- Thực hiện khảo sát các thông tin hiện có về chủ đề định viết
- Một số câu hỏi khác ngoài lề như
- Nên chọn tạp chí nào? Tiêu chí đăng bài của tạp chí đó là gì? Độc giả của tạp chí đó có hợp với cái bài mình viết hông? Những cái này có thể tìm thấy trên website của tạp chí đó
- Cái bước này mà chọn sai thì sẽ mất thời gian và sẽ thất bại khi nộp bản thào
- Cách nhanh nhất là hỏi những người đã từng đi trước.
Các phần khi viết bản thảo nghiên cứu
Có một công thức về thứ tự để viết các phần trong một bài báo khoa học là IMRAD – Introduction – Method – Results – Abstract – Discussion.
Thứ tự xuất hiện của các phần sẽ tuỳ thuộc vào từng tạp chí. Bài viết này sẽ giải thích góc nhìn và lý do khi thực hành với công thứ IMRAD.
Introduction – Giới thiệu hay Tổng quan
Phần tổng quan cung cấp một cái nhìn “tổng quan” về những kết quả nghiên cứu trước đó và khoảng trống kiến thức, từ đó tạo nền tảng cho giả thuyết nghiên cứu của bạn. Phần Tổng quan là tổng hợp những kiến thức có sẵn, thường bạn sẽ làm phần này trước khi đi vào nghiên cứu. Do đó, viết phần tổng quan tốt tạo nền tảng tốt để thực hiện nghiên cứu, dễ dàng để có thể viết đầu tiên. Phần Tổng quan bao gồm và cần chú ý các phần sau:
- Mở đầu hấp dẫn: Phần mở đầu là cơ hội đầu tiên để thu hút sự chú ý của người đọc và tạo ấn tượng tốt. Bạn cần mở đầu, nhưng bạn cần một cái mở đầu hấp dẫn hơn để giữ chân người đọc ở lại với bài báo. Đừng để người đọc cảm thấy nhàm chán ngay từ đầu, một gợi ý là có thể bắt đầu bằng một câu dẫn hay một ý tưởng thú vị liên quan đến chủ đề nghiên cứu.
- Cung cấp bối cảnh và nền tảng (background) về chủ đề nghiên cứu: Giới thiệu ngắn gọn về những gì đã biết về chủ đề nghiên cứu, nhấn mạnh các nghiên cứu đã được thực hiện và chú ý trích dẫn nguồn một cách phù hợp khi đề cập đến các nghiên cứu trước đó. Điều này giúp tạo ra một bức tranh toàn cảnh. Chú ý không đi lan man quá. Mình từng viết đoạn này 2 trang, sau khi thầy mình sửa, mình rút được còn nửa trang. Lúc đó mới thấy mình lan man thế nào.
- Mô tả khoảng trống trong kiến thức hiện có: giải thích những gì còn chưa biết hoặc đang gây tranh cãi trong lĩnh vực nghiên cứu. Điều này giúp người đọc thấy được khoảng trống kiến thức mà bạn đang cố gắng lấp đầy, tăng thêm ý nghĩa cho nghiên cứu.
- Giới thiệu giả thuyết nghiên cứu: Cách để giải quyết khoảng trống trong kiến thức được nêu ở phần trên. Phần này trả lời câu hỏi “Bài nghiên cứu này viết về điều gì?” và nêu rõ hướng nghiên cứu mà bài viết sẽ đi sâu.
- Một số lưu ý
- Cấu trúc tam giác ngược: Phần tổng quan nên bắt đầu từ phạm vi rộng (chủ đề) và dần thu hẹp vào trọng tâm hoặc giả thuyết nghiên cứu. Điều này giúp người đọc dễ dàng theo dõi mạch logic của bài viết.
Các lỗi thường gặp:
- Quá nhiều hoặc quá ít thông tin, làm người đọc bị “quá tải” hoặc cảm thấy thiếu cơ sở để hiểu nghiên cứu.
- Mục tiêu nghiên cứu không rõ ràng.
- Cấu trúc rối rắm, không có trình tự logic.
Method – Phương pháp nghiên cứu
Phần Phương pháp nghiên cứu mô tả lại cách bạn thiết kế các thí nghiệm hoặc phương pháp để trả lời câu hỏi nghiên cứu và lý do lựa chọn các phương pháp đó. Phần này cần liệt kê các bước cụ thể để tiến hành nghiên cứu, từ quá trình lựa chọn, thu thập, đến phân tích dữ liệu. Sự chi tiết trong mô tả phương pháp nghiên cứu đảm bảo nghiên cứu của bạn đã được thực hiện một cách minh bạch và có thể lặp lại được nếu tuân theo phương pháp này.
Quá trình lựa chọn và thu thập dữ liệu
- Quy trình và tiêu chí lấy mẫu: Mô tả quy trình và các tiêu chí để chọn mẫu, kích cỡ mẫu, nguồn gốc mẫu, cách thức chuẩn bị mẫu.
- Công cụ và vật liệu sử dụng: Đưa ra chi tiết về các công cụ, thiết bị hoặc vật liệu dùng để thu thập dữ liệu. Nếu sử dụng tập dữ liệu có sẵn, mô tả cách dữ liệu này được tạo ra ban đầu và nguồn gốc của nó.
Kỹ thuật phân tích dữ liệu
- Liệt kê các thiết bị đã được sử dụng và quy trình sử dụng.
- Liệt kê và mô tả các phương pháp đã được dùng để phân tích hoặc thống kê: Các kỹ thuật phân tích dữ liệu, phương pháp thống kê hoặc các phần mềm máy tính được sử dụng trong quá trình phân tích.
Các lỗi thường gặp
- Thiếu thông tin hoặc thông tin chưa đủ chi tiết.
- Bao gồm thông tin từ phần tổng quan, dẫn đến trùng lặp.
- Trình bày kết quả trong phần phương pháp, làm cho phần này mất đi tính minh bạch và dễ hiểu.
Results – Kết quả nghiên cứu
Phần Kết quả cần được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, và bám sát câu hỏi nghiên cứu. Một cách trình bày có tổ chức sẽ giúp người đọc hiểu rõ những gì nghiên cứu đã tìm thấy và chứng minh. Các kết quả cần được trình bày một cách khách quan, không thiên vị, trung thực, và không bị ảnh hưởng bởi quan điểm cá nhân.
Trình bày kết quả nghiên cứu liên quan đến câu hỏi nghiên cứu
Abstract – Tóm tắt
Đây là một đoạn văn gồm 150-300 từ, tóm tắt lại toàn bộ nghiên cứu. Phần Tóm tắt cần ngắn gọn, rõ ràng và không rườm rà. Phần Tóm tắt này cực kỳ quan trọng vì sẽ giúp độc giả nắm bắt được nội dung của toàn bộ nghiên cứu và quyết định có đọc tiếp những thông tin chi tiết hơn trong nghiên cứu của bạn hay không. Khi viết Tóm tắt cần cung cấp đủ các thông tin sau:
- Bối cảnh và mục tiêu nghiên cứu: Trình bày ngắn gọn lý do thực hiện nghiên cứu và câu hỏi trung tâm mà nghiên cứu nhắm đến.
- Phương pháp: Giới thiệu ngắn gọn về các phương pháp được sử dụng, tránh mô tả quá chi tiết về từng bước cụ thể.
- Kết quả: Tóm lược những phát hiện chính của nghiên cứu, nhấn mạnh các kết quả quan trọng.
- Kết luận: Đưa ra kết luận dựa trên các phát hiện của nghiên cứu và ý nghĩa của chúng trong bối cảnh rộng hơn.
Các lỗi thường gặp:
- Cung cấp quá nhiều bối cảnh hoặc chi tiết về nền tảng nghiên cứu, làm mất đi tính súc tích của phần tóm tắt.
- Tham chiếu đến các tài liệu khác, trong khi phần tóm tắt chỉ nên tập trung vào nội dung chính của nghiên cứu này.
- Trình bày quá chi tiết về phương pháp nghiên cứu, gây mất trọng tâm.
- Sử dụng hình ảnh, bảng biểu hoặc các hình thức minh họa, điều này không cần thiết trong phần tóm tắt.