Lên tiếng để được là chính mình, hay là chính mình để lên tiếng?
Bài viết được lấy cảm hứng từ một câu hỏi trong Học Cách Học 5: “Bạn sẽ chọn gì: đứng lên bảo vệ điều mà bạn thực sự tin tưởng nhưng có nguy cơ mất đi những người thân yêu, hay giữ im lặng để duy trì hòa bình nhưng không bao giờ cảm thấy được là chính mình?”
Mình chọn lên tiếng, nhưng bạn cùng phòng mình chọn giữ im lặng.
Trong một khoảnh khắc trầm ngâm trước câu trả lời, những ký ức về những lần mình lên tiếng nhưng lại đứng trước nguy cơ đánh mất những người thân yêu vụt qua trước mắt mình. Và mình thấy bạn cùng phòng mình mạnh mẽ hơn mình nhiều lắm, và bạn ý cũng biết rất rõ bản thân muốn gì.
Bạn ý bảo, Em chọn không lên tiếng, nhưng “em vẫn là chính em”, chỉ là em không muốn gây gổ, không muốn ồn ào, không muốn sự chú ý. Tụi mình tôn trọng điều đó, và tụi mình cũng tin những giá trị riêng của bản thân bạn vẫn vẹn nguyên.
Và rồi mình nhận ra, để đưa ra một quyết định như thế, cái tôi của bản thân có thể không phải luôn luôn là ưu tiên trên hết. Có rất nhiều thứ sẽ ảnh hưởng đến quyết định của mình ở thời điểm đó.
Ví dụ như là người mình muốn bảo vệ quá quan trọng, ví dụ như là chuyện vẫn ở trong giới hạn mình có thể chấp nhận được, và ví dụ như là có quá nhiều những ký ức không vui trong quá khứ liên quan đến nói lên quan điểm cá nhân của mình. Ở cái thế hệ tụi mình, phân tích văn học không giống ý cô cũng là một lý do để bị điểm thấp. Mà bị điểm thấp thì kết quả học tập đi xuống, mẹ sẽ la, sẽ mất danh hiệu học sinh giỏi. Ở cái thế hệ tụi mình, có những khi một đứa nhỏ chưa lớn, vì học giỏi mà được cưng chiều, nên đi bắt nạt những bạn khác không ủng hộ ý kiến của mình. Là người đi bắt nạt thì chẳng nhớ đâu. Nhưng bạn bị bắt nạt thì nhớ mãi, nhớ đến tự ti. Những ký ức trong quá khứ, dù có khi chẳng được nhớ đến, chỉ mặt, đặt tên, nhưng lại kết nối với hiện tại bằng vết sẹo dài chẳng mờ theo năm tháng.
Yếu tố ảnh hưởng thứ hai, có lẽ là thế giới ngoài kia có cần một câu trả lời rõ ràng thế không? Hẳn là không, vì nó còn không phân rõ ràng, rành mạch được trắng đen, thiện ác. Có một câu quote “Trong mắt quạ thì thiên nga cũng có tội”. Có nhiều trường hợp và tình huống, mình quá bảo vệ bản thân và những người thân yêu, nên mình không biết được là mình đã vô tình làm tổn thương người khác. Kiểu, người có cái chân đau thì có để ý nổi cái chân đau của người khác bao giờ. Đôi khi có những chuyện, không ai bị tổn thương mới là quyết định đúng.
Và yếu tố ảnh hưởng thứ ba, chính là Thời gian. Liệu thời điểm đó có thực sự thích hợp để nói ra hay không, hay là có thể đợi một thời điểm khác thích hợp hơn? Cái đúng, cái sai hay cái tôi của mình có quan trọng đến thế không, so với tổn thương của những người mình yêu? Ví dụ rõ ràng nhất là cãi nhau với ba mẹ hoặc vợ/chồng hoặc người yêu. Mình tin là lựa chọn của mình là đúng. Đối phương cũng tin quan điểm của họ là đúng. Thì mình tin trong trường hợp này, im lặng là sự lựa chọn tốt hơn cả. Im lặng để lắng nghe đối phương, im lặng để bình tĩnh lại, và im lặng để chờ một thời điểm thích hợp hơn để giải thích cho đối phương suy nghĩ của bản thân mình. Sự im lặng cũng có giá trị của nó.
Im lặng cũng là một kiểu ngôn ngữ trong giao tiếp. Để nói cho đối phương là mình cần một chút thời gian.
Nhưng sự lựa chọn im lặng không làm mất đi bản sắc của ai. Ngược lại, nó có thể giúp họ cảm thấy trọn vẹn và đúng với chính mình hơn. Tuy vậy, mình vẫn tin rằng, đối với một số người, chỉ khi dám lên tiếng, họ mới có thể thực sự là chính mình.
Mình vẫn chọn lên tiếng. Điều đó có thể cảm tính và rất cá nhân, nhưng mình tin vào sự thấu hiểu của những người mình yêu. Mình tin rằng dù có khó khăn, thời gian và sự kiên nhẫn sẽ khiến mọi người hiểu được lựa chọn của mình. Đối với mình, lên tiếng chính là cách để không đánh mất chính mình.
Cuối cùng, sự lựa chọn của bạn phụ thuộc vào bối cảnh, cảm xúc và những yếu tố ảnh hưởng tại thời điểm đó. Nếu bạn chọn im lặng mà không hối tiếc, thì mình tin rằng bạn đã làm điều đúng đắn. Và nếu có hối hận, chẳng sao cả. Cuộc đời không mãi bất biến; ngay cả khi đã từng đánh mất chính mình, bạn vẫn luôn có cơ hội tìm lại, thậm chí tìm lại được một phiên bản tốt hơn của chính minh. Và những người yêu bạn vẫn sẽ ở lại bên cạnh, đồng hành và thấu hiểu cho sự lựa chọn của bạn thôi. Nên là, cứ chọn đi, sai thì chọn lại, chẳng có gì to tát.
Vậy nên, dù bạn chọn lên tiếng hay giữ im lặng, điều quan trọng là hãy tôn trọng cảm xúc của mình và tin rằng bạn có quyền lựa chọn, quyền sai và quyền làm lại, bất cứ khi nào bạn sẵn sàng chấp nhận là mình sai.
Bài viết nằm trong thử thách viết 30 ngày của Writing On The Net 7
#wotn7