tai-sao-minh-hoc-phd
Kim's PhD Journey

Tại sao mình lại đi học PhD?

Thật ra ý định đi học đã được nuôi dưỡng trong mình từ rất lâu về trước, âm thầm bén rễ.

Hạt giống số 1

Đi học lâm sàng thầy bảo “Thật ra bác sĩ Việt Nam rất giỏi, nhưng không thể hiện được cái giỏi đó ra để cho thế giới cùng biết”. Thế giới đánh giá sự ảnh hưởng của một nhà khoa học (gọi tạm vậy) bằng chất lượng của những nghiên cứu khoa học. Trong y văn thế giới cũng xuất bản nhiều bài báo với những trường hợp bệnh lạ, hiếm gặp, khó khăn. Đi lâm sàng thì thấy nhiều trường hợp hay. Nhưng mà để cho thế giới cùng biết thì (lúc đó), Việt Nam chưa làm được nhiều.

Chúng mình không có hệ thống thúc đẩy và hỗ trợ phải viết bài, phải xuất bản. Chúng mình không có người hướng dẫn phù hợp. Chúng mình có cái phần cốt lõi nhất, là dữ liệu, nhưng lại thiếu rất nhiều thứ đi kèm.

Lúc đó, mình đã bắt đầu tìm tòi học nghiên cứu khoa học.

Mình làm được nhưng không có ai biết, không có ai đọc, không có ai áp dụng được kinh nghiệm của mình, thì có ích gì đâu?

Hạt giống số 2

Hồi năm 4, cô giáo mình tìm sinh viên hỗ trợ nghiên cứu khoa học, mình đăng ký tham gia. Thật ra cơ hội đến với mình một cách tình cờ và ngẫu nhiên, mình cũng nắm bắt cơ hội từ sự yêu thích đơn thuần của bản thân chứ không vì mục đích đi học PhD hay gì cả. Lúc đó thích thì làm, chỉ làm ráng làm một cách nghiêm túc. Mà có lẽ ở cái thời điểm đó, bạn sinh viên nào cũng vậy.

Hồi đó chẳng biết gì, cái gì cũng học lại từ đầu. Hồi năm 2 học xác suất thống kê, điểm cũng cao mà tới hồi năm 4 thì chữ thầy trả thầy hết trơn hết trọi. Bắt đầu giúp cô thu thập thông tin bệnh nhân, xử lý và phân tích số liệu, đọc hiểu nghiên cứu khoa học. Lúc viết báo và viết khoá luận, cô chỉnh sửa cho mình từng lỗi sai chính tả, từng cách hành văn, từng câu diễn đạt.

Cũng tình cờ, hồi đó về phần số liệu thì cô hỗ trợ mình học, phần đọc báo nghiên cứu thì anh Quý và thầy Đình Vân (ở Y Học Cộng Đồng) mở lớp dạy CTV (nhóm nhỏ 5 bạn thôi à). Nhờ đó mà mình học mọi thứ một cách đồng bộ hơn.

Cũng nhờ tình yêu khoa học của cô Thơm, cô Nga, anh Quý, thầy Vân, mình yêu khoa học hơn Mình tin vào khoa học chân chính và theo đuổi khoa học một cách nghiêm túc như mọi người vẫn tin, vẫn yêu và truyền lại cho mình.

Hồi sang tới Hàn thì có thầy Kim cũng cho mình động lực như vậy nữa.

Hạt giống số 3

Hồi đi thu thập số liệu nghiên cứu cho khoá luận, phải nói chuyện với bệnh nhân để xin thông tin. Cũng kỳ lạ lắm, mình cần nói chuyện và thu thập số liệu của gần 200 bệnh nhân (có thể hơn).

Có những ngày ở trên viện từ sáng tới tối để xem hồ sơ bệnh án, sau đó chờ nói chuyện với bệnh nhân, giải thích nghiên cứu của mình, xin ý kiến nhờ họ hợp tác, tìm hiểu bệnh sử, tiền sử của họ, rồi hỏi tình trạng bệnh nhân cũ. Ròng rã mấy tháng trời ở viện. Có bệnh nhân thích, có bệnh nhân không, nhưng chẳng có ai quá gay gắt với mình cả.

Đề tài mình làm về tổn thương thận ở bệnh nhân đái tháo đường type 2, nên đối tượng chủ yếu là các bác trung niên và người già.

Đi hỏi thông tin bệnh nhân thế thôi nhưng chủ yếu là nghe kể chuyện. Một buổi tối mà bắt đầu từ tiền sử bệnh, thì cả buổi tối chắc chỉ được mình tiền sử bệnh. Vì là có từ “ngày xưa”, nên những câu chuyện cứ tuôn ra như thác chảy. Có người kể chuyện gia đình, có người kể chuyện chữa bệnh, có người kể chuyện hàng xóm, có người kể chuyện bác bệnh nhân giường bên. Hồi đầu mình ngồi im nghe, sau đó thì biết hỏi câu này sau các câu khác, sau đó thì còn biết điều hướng câu hỏi hơn.

Hồi đó biết gần hết bệnh nhân trong khoa, xong có một hôm đến, có bác bệnh nhân bảo, hôm nay có bệnh nhân mới đến nhé, mấy giờ bác ý ở đây đấy, bác dặn bác ý rồi, tý đến giờ nhớ vào hỏi nhé. Mình thấy vui vui. Cũng không giải thích với bác ý là trước khi hỏi tụi con có xem qua bệnh án rùi mới hỏi chứ không phải hỏi ngẫu nhiên đâu ạ. Xong lúc đi hỏi bệnh bệnh nhân mới, mình còn đang giải thích, bác bệnh nhân cũ bên cạnh giải thích phần mình luôn. Cái mình ngồi nghe bác ý nói xong chỗ nào chưa đúng lắm thì nói lại thôi chứ không thì cứ ngồi vừa cười vừa chép vừa nghe.

Có lẽ tất cả những bệnh nhân mà mình từng gặp trong đời, một nửa nuôi dưỡng tình yêu với lâm sàng của mình, một nửa nuôi dưỡng tình yêu với nghiên cứu.

Mình thích khoảng thời gian đó kinh khủng khiếp dù bận kinh khủng khiếp. Vì số liệu lấy về xong lại còn phải nhập liệu và xử lý chứ để qua ngày là quên luôn, và phải theo dõi tiếp chứ không phải lấy mỗi một điểm là ngừng. Mà mỗi bệnh nhân sương sương cũng hơn 20 số liệu rồi.

Hạt giống số 4

Gia đình

Ba mẹ mình chỉ có bằng đại học, không học thêm gì cả. Hồi mình học cấp 1, 2, 3, ba mẹ luôn cố gắng cho mình môi trường và cơ hội học tập tốt nhất. Hồi mình học đại học, ba mẹ cũng chưa từng ép mình phải học ngành này ngành kia, mình thích gì thì chọn cái đó. Gần như một sự tin tưởng và ủng hộ cho những lựa chọn và quyết định của mình.

Quanh mình có nhiều bạn ba mẹ làm trong ngành và hay quyết định, hoặc định hướng cho con lắm luôn. Thỉnh thoảng mình cũng ghen tỵ, vì ở mỗi ngã rẽ cuộc đời, cái việc lựa chọn và quyết định thôi sao mà khó khăn quá. Mình đứng ở ngã ba đường, chẳng biết đi đâu. Nhưng mình cũng biết ba mẹ không có nhiều thông tin về mình, và về những sự lựa chọn của mình để đưa ra lời khuyên mình cần. Nhưng ba mẹ luôn thể hiện sự tin tưởng mình. Mẹ mình bảo, không phải là không giúp được mà nhất định không giúp. Vì mẹ mình biết là có khuyên mình cũng chẳng nghe. Vì biết là mình vẫn sẽ lựa chọn theo những điều mình muốn, nên dù thế nào ba mẹ vẫn ủng hộ mình thế thôi.

Nhưng chính vì gia đình mình như thế, nên mình có động lực và mạnh mẽ hơn trong việc tìm kiếm điều thực sự phù hợp với bản thân. Và mình biết dẫu có lựa chọn thế nào thì ba mẹ và gia đình vẫn luôn ở phía sau hỗ trợ mình, lỡ mà có bước hụt sa chân.

Hai điều kiện thuận lợi khác

Là hồi đó đi thi bác sĩ nội trú nhưng rớt, mà mình biết chủ yếu là do mình không ôn tập tử tế. Đi thi cũng kiểu đi hco biết thôi chứ mình biết chắc chắn với mức độ cam kết của mình hồi đó thì rớt là điều dễ hiểu chứ đỗ mình cũng ngạc nhiên. Giờ nói ra vẫn sợ mẹ mắng vì hồi đó mẹ mong mình ở lại Việt Nam lắm. Nhưng mình thấy các bạn nỗ lực hơn mình thì các bạn xứng đáng hơn mình thôi, mình cũng chẳng buồn lắm.

Qua đến lúc nộp hồ sơ, mình chỉ nộp ở Hàn. Hồi đó không tính toán gì nhiều, đến khi biết tính toán (kiểu tìm thêm thông tin cho các em mình) thì đó cũng là lựa chọn mình mong muốn nếu mình được chọn lại. Nên là, nhiều khi mình cũng thấy may mắn vì cuộc đời đưa mình đến nơi mình muốn.

Hai là hồi đó mình chưa có bạn trai (giờ vẫn chưa có), nên không phải đắn đo lắm giữa việc vì ai mà ở lại. Hồi đó mà có người yêu thì cũng chưa biết chừng sẽ chọn ở nhà không chừng. Nhưng nói chuyện với mẹ , xong mẹ bảo, kiểu gì m cũng đi thôi, có giữ cũng chẳng được. Gia đình mình thì ủng hộ, dù cũng hơi đắn đo nhưng phần lớn lý do là sợ mình vất vả, bản thân mình muốn đi, nên mình có 99% phiếu ủng hộ cho việc đi du học.

Dù sao thì giờ mình cũng đang ở đây rùi hihi

Thế nên là

Thật ra hồi Y6 áp lực, mà có ai Y6 mà không áp lực đâu.

Dù gần đây mình mới nhận thức ra được và viết xuống một cách đầy đủ, nhưng mà, mình tin là quyết định đi học PhD không phải là một quyết định bồng bột ở thời điểm đó của bản thân. Và cho đến hiện tại thì mình vẫn rất hài lòng về quyết định này. Về những cơ hội mình được nhận, về sự trưởng thành của bản thân, về những người mình được gặp, về những giá trị mà mình đã và đang mang lại cho mọi người.

Có thể đọc đến đây, vẫn còn cảm thấy chưa rõ ràng lắm. Nên là, thôi thì cứ thử xem sao, không thử làm sao mà biết


Bài viết nằm trong thử thách viết 30 ngày của Writing On The Net 7

#wotn7

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *