xuan-gan-ket-tet-se-chia-2018
Những câu chuyện từ rất lâu về trước

Xuân gắn kết, Tết sẻ chia 2018….

Viết để nhớ về…

Tại Trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam/dioxin Thành phố Hà Nội!

Tối muộn!

Ánh đèn vàng hắt qua từng ô cửa. Bóng anh cán bộ trực đêm đang kiểm tra lại từng buồng bệnh đi chuyển lặng lẽ giữa đêm.

Tôi vì những ánh mắt háo hức và thẫn thờ nhìn chúng tôi buổi tối hôm ý mà lặng người! Lửa vẫn bập bùng bên nồi bánh chưng, đêm vẫn im lặng và yên bình theo cách rất riêng của nó. Chỉ là những cảm xúc thì vẫn cứ cuộn trào, dần dần dâng lên trong những trái tim vốn đã mang trong mình nhiều xúc cảm!

Tôi đã từng gặp nhiều hoàn cảnh trong suốt một vài năm đi hoạt động tình nguyện! Nhưng những hoàn cảnh nơi đây, lại khiến tôi cảm thấy mình thực đã vô cùng may mắn!

18 tuổi bệnh tình của bạn mới bùng phát. Giữa những dự định của thanh xuân, giữa những hoài bão và ước mơ vẫn còn đang dang dở, vậy mà bạn chẳng còn cách nào khác ngoài việc bỏ chúng lại phía sau! Đến một ngôi nhà mới, bên cạnh những “người thân” mới. Tôi chẳng rõ sự thay đổi lớn lao trong suy nghĩ của bạn, thậm chí còn chẳng biết được là bạn có nhận thức được điều đó không nữa! Nhưng tôi cứ hy vọng là không, vì thật là tàn nhẫn nếu bạn hiểu hết những thứ đang xảy ra với mình nhưng lại bất lực nhìn chúng càng ngày càng tệ đi, hoặc là tệ hơn, nhìn người thân của mình đau khổ vì chúng. Khi mà, sau 18 năm là một người bình thường, bỗng dưng, bạn lại không được là điều đó nữa! Điều mà chắc bạn chẳng bao giờ muốn quen…

 

Chị phát hiện bệnh khi đã đi được hết 1/4 cuộc đời. Chị xinh đẹp, hát hay, có một gia đình hạnh phúc và đã có 1 đứa trẻ kháu khỉnh, dễ thương. Nhưng rồi làm sao biết được hết mọi thứ sẽ đến với ta trong cuộc đời này! Bỗng một ngày chị chẳng giống như bình thường nữa. Người nhà chị tìm mọi cách, đi dọc cả đất nước Việt Nam, cuối cùng cũng vẫn đành chịu, vì những thương tổn ấy chẳng thể nào có thể chữa lành. Tôi chẳng biết là trong một ngày chị có bao nhiêu giờ tỉnh táo, những lúc ấy chị có thể nhớ về đứa trẻ hay không? Nhưng tôi hy vọng là không! Vì tôi không cách nào đo lường được sự đau đớn khi một người mẹ không thể bên cạnh và bảo vệ con của mình, thậm chỉ chỉ là có thể nhớ đến là mình có một đứa bé rất đáng yêu!…

 

Anh vẫn còn trẻ lắm, nhưng đã là một bệnh nhân ở trong Trung tâm rồi. Nhưng mà đau đớn nhiều hơn thế, con trai anh, cũng đang ở một Trung tâm nuôi dưỡng khác ở ngoại thành thành phố Hà Nội. Tôi hỏi “Anh có biết là đã có con không ạ?” thì nhận được câu trả lời “Có chứ!”. Tôi còn chẳng nghe rõ những câu phía sau! Vì sự đau lòng trong tôi đã lấn át hết mọi thứ đang xảy ra lúc ấy! Chỉ nhớ là thỉnh thoảng anh vẫn trầm tư rồi gọi tên con trai của mình….

Mỗi nạn nhân ở đó, đều mang trên mình những câu chuyện khác nhau. Thật không may, câu chuyện nào cũng bi thương và đau buồn. Ngưỡng mộ thay, người kể cho tôi nghe những câu chuyện ấy có thể nhớ hết tất cả, từng câu chuyện trong đó.

Chẳng biết là cần bao nhiêu nhiệt tình và yêu thương nữa! Tôi đã bảo với chú rằng, tôi thực sự ngưỡng mộ những cô, chú, anh, chị ở đây! Vì cần có bao nhiêu tình yêu để yêu thương, chăm sóc tận tình như thế, với người chẳng chung máu mủ ruột già!

Trong một phút, tôi đã tự hỏi là tại sao những chuyện này lại xảy ra. Nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng đều biết câu trả lời! Chỉ là không biết được là bao nhiêu trong chúng ta, biết được sự bi thương trong từng câu trả lời ý!

Có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ quên, một ngày trời Hà Nội lạnh 9 độ C, chúng tôi rời Hà Nội để đón Tết! Chẳng cần mâm ngũ quả, lì xì, câu đối đỏ, chúng tôi cùng hơi ấm của nồi bánh chưng xanh đã khiến Tết ấm áp hơn với rất nhiều người! Tôi sẽ chẳng bao giờ quên, ánh mắt rạng rỡ, nụ cười ngây ngô của những người đón chúng tôi đến đón Tết ở ngôi nhà của họ!

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên những ngày tháng Chạp ấy….

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *