an-toan-tam-ly-trong-viec-hoc
Học cách học

Học tập nên là một hành trình an toàn và vui vẻ

Bài viết nằm trong chuỗi bài đồng hành cùng mình tham dự “Học cách học #4” được tổ chức bởi Mở

“Học tập nên là một hành trình an toàn và vui vẻ” là câu quote (hoặc là câu nói, mình không biết nên định nghĩa thế nào) xuyên suốt tuần chuẩn bị của lớp học, đến qua buổi học đầu tiên.

Điều mình thích nhất trong buổi học

Là về mối liên quan giữa Mức độ an toàn tâm lý và Động lực cùng trách nhiệm khi mình học một điều gì đó.

An toàn tâm lý

Định này không khởi nguồn từ những nhà giáo dục, mà từ những nhà sáng tạo. Nguyên nhân là những nhà sáng tạo không thể sáng tạo trong một môi trường thiếu an toàn.

“Niềm tin rằng mỗi cá nhân đều sẽ không bị trừng phạt hoặc bị làm cho xấu hổ khi nói ra những ý tưởng, câu hỏi, mối quan tâm hoặc sai lầm. Và rằng – niềm tin chung của của cộng đồng đó là – họ được phép chấp nhận rủi ro của các cá nhân.”

Amy Edmondson, 1999

Được thể hiện bằng các biểu hiện hành vi:

  • Một môi trường không có chấm điểm hay đánh giá bên ngoài. Loại bỏ hoàn toàn các đánh giá bên ngoài.
  • Chấp nhận mỗi cá nhân một cách vô điều kiện. Nói cách khác là tách biệt tác giả và tác phẩm
  • Thấu hiểu một cách đồng cảm

Trong môi trường an toàn tâm lý, người học sẵn sàng đưa ra mọi câu hỏi, ý tưởng, mối quan tâm của họ, thậm chí họ sẵn sàng thất bại, và họ học hỏi trong suốt tất cả quá trình.

An toàn tâm lý trong một môi trường tập thể không phải là cố gắng đối xử tốt với mọi người, hay tỏ ra mọi chuyện đều ổn, hay hạ thấp các tiêu chuẩn thực hiện để dễ dàng được đáp ứng. Hoàn toàn ngược lại. An toàn tâm lý thực sự là việc nhận ra rằng hiệu suất cao đòi hỏi sự cởi mở, linh hoạt, học hỏi lẫn nhau, điều chỉ có thể xảy ra một cách hiệu quả trong môi trường an toàn về mặt tâm lý. Khi đó, mọi người có thể đưa ra được những phản hồi đúng đắn, kiên định, có những cuộc trò chuyện và thảo luận căng thẳng – điều đòi hỏi sự thẳng thắn, tin tưởng và tôn trọng cao với đối phương – mà không cần phải suy nghĩ thận trọng.

Tuy nhiên, an toàn tâm lý cần phải được phối hợp với tự do tâm lý, một cách cá nhân và có trách nhiệm. Tức là, bạn được quyền không thích một điều gì đó, nhưng bạn không được quyền để cảm xúc không thích đó ảnh hưởng đến điều đó, hoặc là những người khác. Đó là cảm xúc của bạn, và của riêng bạn.

An toàn tâm lý trong việc học

  • An toàn hoà nhập
  • An toàn học hỏi
  • An toàn đóng góp
  • An toàn khi “Thách thức”

Các trạng thái học tập – Mối liên quan giữa Động lực trách nhiệm và Mức độ an toàn tâm lý trong việc học

hoc-tap-nen-la-mot-hanh-trinh-an-toan-va-vui-ve
Mối liên hệ giữa động lực trách nhiệm và an toàn tâm lý trong việc học thể hiện thái độ của bạn đối với việc học một vấn đề gì đó. Nguồn: Amy Edmondson, The competitive imperative of learning, 2008; Bản Tiếng Việt: Người đồng hành Chị Minh Hương – từ Học Cách Học #4

Tuỳ thuộc vào mức độ an toàn tâm lý trong việc học và động lực học hỏi, người học có thể rơi vào những trạng thái khác nhau (Bài viết gốc liên quan tới mô hình kinh doanh. Bản tiếng Việt đã được điều chỉnh trong mô hình học tập)

Anxiety zone – Hệ chông chênh

Có nhiều động lực và trách nhiệm để học, nhưng không cảm thấy an toàn trong môi trường lớp học. Dẫn đến hành vi sẽ lắng nghe và tiếp thu kiến thức, nhưng ngại ngần thử những ý tưởng phương pháp mới, hoặc đặt ra câu hỏi phản biện và từ chối tương tác cùng giảng viên và lớp học.

Apathy zone – Hệ chai sạn

Không có động lực trách nhiệm và không có cảm giác an toàn trong lớp. Dẫn đến bạn chỉ tham gia lớp, không cảm thấy vui vẻ với việc học, không học, không tiếp thu kiến thức, không dành thời gian cho việc học điều đó.

Comfort zone – Hệ chill

Không có động lực, nhưng có một môi trường an toàn. Người học trong trạng thái này sẽ có xu hướng tích cực học tập, tận hưởng không khí trong lớp học, phát biểu ý kiến. Tuy nhiên, người học sẽ không tích cực với những thử thách, hay ý kiến mới, hay những yêu cầu đòi hỏi thêm thời gian và công sức

Learning zone – Hệ chiến

Khi ở trong môi trường an toàn, có đủ động lực và trách nhiệm, bạn sẽ thực sự học hỏi. Ngoài việc tiếp thu kiến thức, bạn còn tiếp tục đặt ra những câu hỏi mới, ý tưởng mới để học tốt hơn và cải thiện việc học của mình hơn, nâng cao cả trải nghiệm học tập và kết quả của việc học tập.

Động lực và trách nhiệm trong khi học sẽ được viết trong một bài viết khác (liên quan tới Motivation Theory, tại mình tìm thử thì nó dài lắm, mình lười, Hi). Khi nào viết xong sẽ update vào đây. 

Reflection sau buổi học đầu tiên

#learning-should-be-safe

Một khoảnh khắc mà bạn đã từng lên tiếng tranh cãi (challenge) với một quan điểm trong lớp học?

  • Điều gì trong khoảnh khắc đó khiến bạn cảm thấy đủ an toàn để lên tiếng?

(Mình nghĩ là) Mình luôn lên tiếng tranh cãi nếu cảm thấy một điều gì đó quá sai, nên lúc đọc câu hỏi này mình không có ký ức cụ thể nào. Cảm giác an toàn của mình đến từ việc mình biết kiến thức đó là đúng (hay sai), hoặc là mình đủ niềm tin và chứng cứ cho quan điểm mình đang bảo vệ. Chắc là vậy.

Điều duy nhất khiến mình sợ hãi không lên tiếng, là kiến thức của mình không đủ để tranh luận và phản biện, sự overthinking của bản thân, về nỗi sợ sai lầm. Nỗi sợ này lớn hơn hết lúc mình học y, và mình trực tiếp đối thoại với bệnh nhân. Liệu mình có chắc chắn về những điều mình đang nói hay không, liệu mình nói có bị sai không, liệu những điều mình nói có tác động tiêu cực đến bệnh nhân không. Một ví dụ khác là hồi mình mới qua Hàn học sau đại học, mình hầu như ngồi yên trong suốt buổi meeting. Dư chấn từ hồi học đại học nên mình không muốn phát biểu điều gì khi mà mình không biết chắc chắn. Kể cả khi đặt câu hỏi, mình không muốn đặt những câu hỏi mà mình có thể google, nhưng kiến thức của mình không đủ để có thể hỏi những câu mà google không thể trả lời được. Nguyên nhân là hệ thống kiến thức này quá khác biệt đối với những thứ mình từng học. Kiến thức của mình gần như chỉ đủ để hiểu phần Introduction của mỗi bài thuyết trình, đến các phần sau đi vào chi tiết hơn (kiểu từng gene, các kiểu ký hiệu, thí nghiệm,… mình không hiểu) là mình ngồi im luôn. Vì mình vốn chỉ học những cái rất là tổng quát chứ không đi vào chi tiết thế này. Khoảng vài tháng sau, sau khi quen hơn với môi trường, con người, cách mọi người học tập và làm việc, thì mình có cách tiếp cận khác hơn, có được background để hiểu mọi người đang nói về cái gì, thì mình bắt đầu mới có thể tham gia trao đổi cùng mọi người.

Nghĩ sâu hơn về mình ở quá khứ, mình (lại) nghĩ là cảm giác an toàn trong việc học của mình có lẽ xuất phát từ chính gia đình mình. Năm mình học lớp 3 (hoặc lớp 4),  mình được điểm 3 môn toán. Lúc đưa vở bài tập cho bố xem, (mình nghĩ là) mình đã rất sợ hãi. Nhưng sau đó, bố mình chỉ hỏi là tại sao thế, lần sau cố gắng hơn nhé. Mặc dù từ lớp 1, mình luôn được điểm tối đa và đứng đầu lớp, điều mà mình biết là kết quả của sự hơn thua của chính bản thân mình chứ không phải vì mình thực sự muốn học đến thế. Nhưng bố mẹ luôn khuyến khích mình học, tạo điều kiện cho mình học, mà cổ vũ mình trên con đường học tập. Theo quan điểm của bố mẹ, việc học không chỉ gói gọn trong nhà trường, tất cả mọi thứ đều cần phải học, nấu ăn, nhặt rau, thái thịt (bố mình từng cọc mình vì không biết thái thịt theo cái thớ thịt ấy), hay gieo trồng một cái cây nhỏ. Học để biết, học để áp dụng, học để sau này có việc làm tự nuôi sống chính bản thân mình.

Mình không nhớ mấy năm mình học cấp 2 với cấp 3 nữa, nhưng mình học giỏi mà (ý là xếp hạng trên lớp thì là vậy), cái gì mình thấy không hiểu, không đúng thì mình cứ phản biện thui chứ cũng không nghĩ nhiều lắm. Cái tôi của mình cao nữa.

Lên tới Đại học thì con cá bơi ra biển lớn, rồi đó, có nhiều cái mình không biết hơn. Có nhiều kiến thức mình học xong không nhớ nữa. Xong mình hết tự tin. Tới lúc đó thì cô giáo hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp của mình xuất hiện. Cô củng cố cho mình việc, mình có quyền được sai, và mình có cơ hội để sửa sai. Mình đang ở trong trường, nên các thầy cô sẽ định hướng và dẫn dắt chúng mình, các thầy cô cũng sẽ bảo vệ chúng mình, các thầy cô cũng sẽ ủng hộ chúng mình. Mình dần làm quen lại với việc, mình cần phải dấn thân, mình cần phải nói ra ý kiến của mình, và nếu mình có làm sai, thì mình phải chấp nhận là mình đã làm sai, và cố gắng để sửa chữa sai lầm đó, và cố gắng hết sức để không để nó lặp lại thêm nữa.

Hồi mình sang Hàn, labmates và thầy mình cũng luôn tạo một môi trường cởi mở, không đánh giá, không ép buộc, khuyến khích học hỏi. Nên mình kiểu cứ góp nhặt kiến thức từng ngày rồi lớn lên như một cái cây vậy đó.

Trong suốt 25 năm đó đương nhiên là cũng sẽ có lúc mình bị đánh giá, bị nói này nói nọ, hay có những người không thích mình vì những điều mình từng nói, mình đoán thế, chứ mình cũng chưa nghe, hoặc nghe rồi nhưng mình không nhớ. Nhưng mình nghĩ mình là người may mắn, hoặc là, mình là người tích cực nên chỉ nhớ những điều vui vẻ thôi. Mình có gia đình định nghĩa cho mình một môi trường học tốt, tạo cho mình niềm tin và luôn ủng hộ mình. Mình gặp những người thầy ngoài giúp đỡ mình trên con đường học vấn ra, củng cố thêm cho mình niềm tin và thái độ nên có với việc học. Mình tin là bằng cách phát ra nguồn năng lượng tích cực về việc học, mình thu hút những người có cùng tần số năng lượng, giống như mình đang ở HCH#4 này đây.

#learning-should-be-fun

Một khoảnh khắc mà bạn cảm thấy vui trong việc học?

Chắc là những buổi học gần đây, với Mở.

  • Điều gì đã được “thêm vào” trong khoảnh khắc đó so với thường ngày?

Năng lượng của các bạn học cùng. Một chút hài hước, một chút tích cực, một chút tự tin, thỉnh thoảng lại là một chút khó khăn, mệt mỏi, tủi thân, an ủi, ấm áp. Cái gì các bạn cũng nói được ở đây hết á. Mình cảm thấy vậy :3 (Đương nhiên là kiểu vẫn trên tinh thần cầu thị, học hỏi và tôn trọng lẫn nhau). Mình cũng từng tham gia các lớp học nơi mọi người có cùng một mục đích chung, là cần học một kỹ năng nào đó. Ở Mở thì ngoài học, là nhận lại, chúng mình còn cho đi nữa. Kiểu như là chia sẻ góc nhìn của mình, ý kiến của mình. Mình tự đánh giá góc nhìn của mình, mình nhận thêm góc nhìn của người khác, và mình chia sẻ góc nhìn của mình. Không bị đánh giá là đúng hay là sai, chỉ là mình ở một vị trí khác, nhìn ở một góc nhìn khác, nên là ý kiến của mình hơi khác. Vậy thôi đó.

  • Điều gì đã được “lấy đi” trong khoảnh khắc đó so với thường ngày?

(Lại là) Mình nghĩ là cái không khí ngượng ngùng của một lớp học bình thường – nơi mọi người khép mình mà ngại tương tác. Mình quen với điều này (tức là giảng viên và học viên ở 2 thế giới khác nhau, ai làm việc người đó, hạn chế tương tác) tới nỗi mình cảm thấy nó bình thường. Nhưng mà nó không, nhỉ?

Mặc dù học online nhưng lớp rất là sôi nổi. Như mình nói ở trên, mình cảm giác cái gì các bạn cũng có thể nói ở đây hết á. Cái sự tương tác trước, trong và sau buổi học, sự hoạt náo của các bạn điều phối, các hoạt động (mặc dù ban đầu thực sự là mình làm để tick điểm thui á), văn hoá của lớp học, giúp mình đỡ ngại ngần hơn trong việc bộ bản thân mình, và chia sẻ những ý kiến của mình.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *