Nghi-sau-ve-kinh-nghiem
Học cách học

#Nghĩ-sâu về Kinh nghiệm

Bài viết nằm trong chuỗi bài đồng hành cùng mình tham dự “Học cách học #4” được tổ chức bởi Mở. Các thông tin trong bài viết được giảng dạy trong khoá học, và được trình bày lại bởi mình. Phần trình bày lại bởi mình đôi khi sẽ không tránh khỏi sai sót, nhờ mọi người góp ý thêm.

#Nghĩ-thoáng về kinh nghiệm

Kinh nghiệm là gì?

Kinh nghiệm là tất cả những kiến thức thuộc phần “Tri thức tiềm năng” và “Tri thức tiềm ẩn” của chúng ta. Chúng là những điều chúng ta đã thực sự trả qua, hơn là những điều chúng ta chỉ suy nghĩ hay tưởng tượng về.

Kinh nghiệm có những tính chất chính có thể điều hướng quá trình học tập:

  • Chủ quan và tuỳ tình huống: Do kinh nghiệm được tạo nên nhờ tương tác của chủ thể với môi trường cung quanh
  • Ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần:
    • Những kinh nghiệm tích cực như các hoạt động thể chất giúp tăng cường sức khoẻ sinh lý hay những thành công trong công việc, học tập và các mối quan hệ xã hội có thể mang lại một tinh thần tự tin và cảm giác hạnh phúc
    • Những trải nghiệm tiêu cực như chấn thương, căng thẳng kéo dài có thể làm suy giảm sức khoẻ thể chất. Và những trải nghiệm tiêu cực về thất bại và mất mát cũng có thể gây ra trầm cảm, lo âu và những vấn đề tâm lý khác.
  • Phức tạp về kích hoạt tâm lý:
    • Điều đặc biệt trong điều bình thường: Những trải nghiệm tưởng chừng như đơn giản và thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hàng ngày cũng có thể chứa đựng nhiều lớp ý nghĩa và cảm xúc. Hoặc những sự kiện xảy ra lặp đi lặp lại, như công việc hàng ngày hoặc các mối quan hệ xã hội, có thể trở thành nguồn gốc của những phản ứng tâm lý phức tạp vì chúng gắn liền với nhiều kỷ niệm và cảm xúc khác nhau.
    • Từ tích tắc đến cả cuộc đời: Một trải nghiệm ngắn ngủi, chỉ trong tích tắc, có thể kích hoạt một loạt các phản ứng tâm lý mạnh mẽ. Bên cạnh đó, một số trải nghiệm ngắn ngủi nhưng có sức ảnh hưởng lớn có thể để lại ấn tượng sâu đậm và tạo ra những phản ứng tâm lý kéo dài.
Tinh-chat-cua-kinh-nghiem
Tính chất của kinh nghiệm. Nguồn: Chị Minh Hương – HCH#4

Kinh nghiệm là rào cản hay bước đệm?

Khi Kinh nghiệm được kích hoạt một cách đầy đủphù hợp, chính xác, sẽ hỗ trợ chủ thể trong quá trình học hỏi kiến thức mới, và trải nghiệm đối với việc học cũng tốt hơn.

Luoc-do-nhan-thuc
Lược đồ nhận thức. Nguồn: Chị Minh Hương – HCH#4

Kinh nghiệm tồn tại trong não bộ dưới dạng những điểm neo. Khi một thông tin mới tiếp cận, chúng sẽ cố gắng tìm kiếm một điểm neo để ở lại bộ não của chúng ta. Khi đó, sự đồng hoá dữ liệu bắt đầu.

Khi thông tin mới tìm được những kinh nghiệm cũ phù hợp, não bộ sẽ phản hồi “oke em“, tức là có sự cân bằng giữa những thông tin mới và những kinh nghiệm cũ. Thông tin mới tồn tại như một dạng củng cố những kinh nghiệm hiện tại của chúng ta.

Ngược lại, khi thông tin mới không khớp với những kinh nghiệm cũ, não bộ sẽ đưa ra phản hồi “ủa em”, thông tin mới và những kinh nghiệm cũ bị mất cân bằng. Khi đó, những quá trình chỉnh sửa được thực hiện để cập nhật những kinh nghiệm cũ của chúng ta, giúp khôi phục lại sự cân bằng nhận thức.

Khi quá trình cập nhật và chỉnh sửa thành công, lược đồ nhận thức sẽ trở lại trạng thái cân bằng. Thông tin mới được tích hợp một cách hài hòa vào hệ thống kiến thức, và quá trình này có thể bắt đầu lại với những thông tin mới tiếp theo.

Theo thời gian, nếu bạn càng tạo ra nhiều điểm neo nhận thức trong não bộ, thì những kiến thức mới càng có thêm nhiều cơ hội để ở lại trong não hơn. Dẫn đến việc học của bạn sẽ dễ dàng hơn.

#Nghĩ-sâu về trí nhớ

Cách tiếp cận truyền thống

Mô hình này được phát triển vào năm 1968 bởi Richard Atkinson và Richard Shiffrin. Đây là một trong những mô hình đầu tiên và quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu về trí nhớ, cung cấp một khung lý thuyết chi tiết về cách thông tin được xử lý và lưu trữ trong bộ não con người.

Theo đó, bộ nhớ của chúng ta được chia thành nhiều tầng xử lý thông tin, tuỳ thuộc vào thời gian lưu trữ thông tin đó.

  • Trí nhớ giác quan (Sensory Memory): Tiếp nhận những thông tin từ kích thích môi trường . Đây là giai đoạn đầu tiên trong quá trình xử lý thông tin và chỉ giữ thông tin trong thời gian ngắn.
  • Trí nhớ ngắn hạn (Working Memory hoặc là Short-Term Memory): Thông tin từ trí nhớ giác quan được chuyển sang trí nhớ ngắn hạn thông qua quá trình tập trung (attention). Trí nhớ ngắn hạn có khả năng lưu trữ thông tin trong một khoảng thời gian ngắn (khoảng 20-30 giây) và có dung lượng hạn chế. Thông tin trong Trí nhớ ngắn hạn được củng cố và duy trì thông qua quá tình Lặp lại. Trí nhớ ngắn hạn được ví dụ như RAM của máy tính, nơi tất cả những thông tin làm việc được xử lý tại đây và sẽ mất đi khi chúng ta tắt nguồn mắt tính.
  • Trí nhớ dài hạn (Long-term Memory): Thông tin từ trí nhớ ngắn hạn được chuyển sang trí nhớ dài hạn thông qua quá trình lưu trữ (storage). Trí nhớ dài hạn có khả năng lưu trữ thông tin trong một thời gian dài và có dung lượng không giới hạn. Thông tin trong trí nhớ dài hạn có thể được truy xuất (retrieval) khi cần thiết. Trí nhớ dài hạn được ví dụ như bộ nhớ ROM của máy tính, nơi các thông tin được lưu trữ và có thể được mở ra khi cần thiết, không bị ảnh hưởng bởi quá trình khởi động lại hoặc tắt nguồn máy tính.
Mo-hinh-da-bo-nho-cach-tiep-can-truyen-thong
Mô hình đa bộ nhớ – Cách tiếp cận truyền thống. Nguồn: Chị Minh Hương – HCH#4

Mô hình của Atkinson và Shiffrin đã đặt nền tảng cho nhiều nghiên cứu tiếp theo và vẫn tiếp tục là một trong những mô hình cơ bản trong lĩnh vực nghiên cứu về trí nhớ.

Cách tiếp cận đương đại

Năm 1988, Cowan đã đề xuất một mô hình đa bộ nhớ khác để giải thích cách thức mà các thông tin từ môi trường được xử lý và lưu trữ trong bộ nhớ con người. Mặc dù cũng bao gồm ba khái niệm chính: trí nhớ giác quan (sensory memory), trí nhớ ngắn hạn (working memory), và trí nhớ dài hạn (long-term memory), thông tin được xử lý trong mô hình này có một chút khác biệt so với các tiếp cận truyền thống của Atkinson và Shiffrin.

Theo đó,

  • Các thông tin từ trí nhớ giác quan có thể đi thẳng vào trí nhớ ngắn hạn mà không cần thông qua sự tập trung
  • Khả năng tập trung là một phần nằm trong trí nhớ ngắn hạn, và Trí nhớ ngắn hạn là một phần của trí nhớ dài hạn, và khả năng tập trung được điều khiển bởi ý chí và ảnh hưởng đến các thông tin được xử lý và lưu trữ. Trong khi đó, ở mô hình truyền thống, khả năng tập trung chỉ đơn giản là quá trình chuyển thông tin từ trí nhớ giác quan sang trí nhớ ngắn hạn
  • Mô hình đương đại tập trung nhiều hơn vào sự tương tác giữa các trí nhớ hơn là sự phân chia rõ ràng như ở mô hình truyền thống
  • Ý chí điều khiển (central executive) đóng vai trò quản lý và điều phối các quá trình này, đảm bảo rằng thông tin được xử lý và lưu trữ một cách hiệu quả. Các thông tin trong trí nhớ ngắn hạn có thể dẫn đến hành động hoặc các phản ứng tự động.
Mo-hinh-da-bo-nho-cach-tiep-can-duong-dai
Mô hình đa bộ nhớ – Cách tiếp cận đương đại. Nguồn: Chị Minh Hương – HCH#4

Làm thế nào để ghi nhớ tốt hơn?

Khả năng ghi nhớ thông tin sẽ tỷ lệ thuận với mức độ áp dụng thực hành của phương pháp học tập. Những phương pháp học tập dễ thực hiện thì thông tin được ghi nhớ sẽ dễ bị lãng quên. Trong khi đó nếu sử dụng những phương pháp học tập khó thực hiện hơn thì thông tin được ghi nhớ sẽ ở lại trong não bộ lâu hơn.

  • Lặp lại (Repetition): Đây là phương pháp cơ bản và dễ thực hiện nhất, chỉ đơn giản là lặp lại thông tin nhiều lần. Mặc dù dễ làm nhưng có thể không hiệu quả trong việc ghi nhớ lâu dài.
  • Giải thích (Elaboration): Phương pháp này yêu cầu người học giải thích, mô tả hoặc mở rộng thông tin bằng cách kết nối nó với kiến thức đã biết. Điều này làm tăng khả năng nhớ nhưng cũng đòi hỏi sự nỗ lực và hiểu biết sâu hơn.
  • Lặp lại ngắt quãng (Space Repetition): Phương pháp này dựa trên việc lặp lại thông tin theo từng khoảng thời gian nhất định. Đây là một cách hiệu quả để chuyển kiến thức vào trí nhớ dài hạn nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và kế hoạch học tập cụ thể.
  • Tập trung chủ đích (Selective Attention): Phương pháp này yêu cầu tập trung cao độ vào một phần cụ thể của thông tin cần nhớ. Điều này giúp tăng cường sự chú ý và ghi nhớ, nhưng cũng đòi hỏi sự kiểm soát cao về sự tập trung.
  • Chia nhỏ và kết nối (Chunking): Phương pháp này liên quan đến việc chia nhỏ thông tin thành các phần dễ quản lý hơn và kết nối chúng lại với nhau. Mặc dù đòi hỏi sự tổ chức và tư duy logic, nhưng khi làm được, khả năng nhớ sẽ tăng cao.
  • Đa kết nối (Dual Coding / Multiple Connections): Sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để kết nối thông tin, chẳng hạn như hình ảnh, âm thanh, và văn bản cùng lúc. Đây là phương pháp khó thực hiện nhất nhưng lại rất hiệu quả trong việc giúp thông tin dễ nhớ hơn.

Hai phương pháp cuối cùng Chunking và Dual Coding có liên quan tới việc sử dụng những điểm neo nhận thức trong việc học tập và ghi nhớ thông tin. Một khi thông tin đã có điểm neo đậu trong não bộ, thời gian chúng lưu lại sẽ lâu hơn

Lam-the-nao-de-nho
Làm thế nào để ghi nhớ tốt hơn. Nguồn: Chị Minh Hương – HCH#4

#Nghĩ-thoáng về việc quên

Việc quên có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tiếp nhận, xử lý và lưu trữ thông tin trong não bộ của chúng ta.

  • Ảo giác ghi nhớ: Nếu thông tin được tiếp nhận bởi các giác quan nhưng không được chú ý đến, nó sẽ biến mất rất nhanh chóng. Về bản thật thật ra bạn chưa hề ghi nhớ thông tin đó, nhưng bạn tưởng bạn đã ghi nhớ nhớ. Đây chính là ảo giác của việc ghi nhớ.
  • Thay thế liên lục ở trí nhớ ngắn hạn: Trí nhớ ngắn hạn hay là working memory là nơi chúng ta xử lý những thông tin được tiếp nhận liên tục. Khả năng lưu trữ thông tin của nó ngắn và có dung lượng hạn chế. Do đó, những thông tin quan trọng được củng cố và duy trì thông qua quá tình Lặp lại. Những thông tin không quan trọng được thay thế liên tục để nhường chỗ cho những thông tin mới tiếp nhận.
  • Mất “cues”: Liên quan đến những điểm neo nhận thức, sau khi thông tin đã được thu nhận, mã hoá thành công. Khi chúng ta không truy cập và truy xuất thông tin thường xuyên, dẫn đến bị quên các gợi ý “cues” cần thiết để nhớ lại thông tin, mặc dù chúng vẫn ở trong não. Khi có “cues” phù hợp, thông tin sẽ được ghi nhớ lại.
nghi-thoang-ve-viec-quen
Nghĩ thoáng về việc quên. Nguồn: Chị Minh Hương – HCH#4

Tổng kết

  • Kinh nghiệm là những kiến thức chúng ta đã trải qua, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc chúng ta học tập. Kinh nghiệm tồn tại như những điểm neo trong não bộ, giúp duy trì thông tin mới khi có sự tương đồng với những kinh nghiệm cũ.
  • Những mô hình trí nhớ truyền thống của Atkinson và Shiffrin hay đương đại của Cowan đều giải thích cách thông tin được xử lý qua các giai đoạn: trí nhớ giác quan, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.
  • Sử dụng các phương pháp học tập phức tạp hơn, tạo điều kiện để ghi nhớ kiến thức được lâu hơn
  • Việc quên thông tin có thể xảy ra do thông tin không được chú ý, thay thế liên tục ở trí nhớ ngắn hạn hoặc mất đi các gợi ý cần thiết để nhớ lại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *