Bạn vì tiền cũng thì được chứ sao?
Một năm trước, mình có một cuộc tranh luận với một bạn của mình, về giá trị của đồng tiền.
- Mình bảo: Đôi khi tiền không quan trọng đến thế, hoặc là còn chẳng quan trọng khi đặt nó lên bàn cân giữa một số lợi ích khác, ví dụ như gia đình. (Lúc đó chúng mình có hoàn cảnh cụ thể để thảo luận, nhưng mà xin phép không kể chi tiết ở đây)
- Bạn bảo: Sao lại không quan trọng?
- Mình bảo: Vì giữa tiền và những cái khác, thì em sẽ chọn những cái khác
- Bạn: Nhưng mà em đang dùng tiền để trả giá mà? Không phải nó không quan trọng, mà nó rất quan trọng. Bởi vì có tiền em mới sẵn sàng đánh mất nó (gọi là trả giá) để có được những điều em muốn. Vậy nếu em không có tiền, em có làm thế được hay không?
- Mình im lặng luôn!
Mình không thể phản bác. Vì bạn nói đúng.
Thật ra gia đình mình chưa bao giờ để mình phải thiếu thốn. Ba mẹ mình không giàu có, nhưng ba mẹ giáo dục cho mình về việc tiết kiệm và tiêu tiền đúng mục đích từ rất sớm. Kiểu như, những thứ không quan trọng, không phục vụ mục đích học tập, hoặc quần áo không có tính ứng dụng cao thì cần cân nhắc rất kỹ trước khi mua. Hồi học đại học mình cũng có làm thêm một vài việc rất là nhẹ nhàng (chủ yếu là viết lách và làm online trên internet), nhưng cũng có thu nhập đủ để nuôi thêm mèo. Cộng thêm việc mình suốt ngày ở viện và ở trường, không có nhu cầu với hàng hiệu, nên việc chi tiêu cũng không phải đắn đo lắm. Mình chưa từng, hoặc rất ít khi phải từ bỏ cơ hội hoặc điều mình rất muốn vì tiền bạc, vì nếu mình không đủ tiền thì ba mẹ hoặc anh trai mình sẽ giúp.
Nhưng mình nhận ra sức mạnh của đồng tiền hồi mình học năm thứ 3, lúc đi lâm sàng ở bệnh viện, nhìn thấy viện phí của mỗi một bệnh nhân. Viện phí đóng cọc trước (Kiểu như lúc vào viện, người nhà sẽ nộp 1 khoản vào tài khoản của bệnh nhân, bệnh viện sẽ trừ dần khi phải làm xét nghiệm hoặc thủ thuật nào đó). Phòng bệnh chật kín, nếu muốn nằm phòng đơn chỉ một mình bệnh nhân cũng phải trả thêm tiền. Số tiền đó tính theo ngày, chứ không phải là theo đợt. Thuốc và xét nghiệm có thể được trừ bảo hiểm y tế, nhưng phòng đơn đó thì không nha.
Hồi đó giá một đêm ở phòng đơn trong viện bằng 1/2 hoặc 1/3 cả tháng lương đi làm thêm của mình.
Mình nhận ra, nếu mình không có tiền, lúc ba mẹ mình ốm mà cần vào viện thì phải làm sao?
Quay lại thời xa xưa một chút, thì
Nguồn gốc của đồng tiền lúc nó được tạo ra, để trở thành một vật trao đổi ngang giá.
Hồi xưa, mỗi nhà có một ưu điểm riêng. Có nhà trồng được khoai, có nhà trồng được gạo. Thì cái nhà có gạo, muốn ăn khoai, sẽ mang gạo tới đổi khoai. Kiểu 1kg gạo đổi được 1kg khoai vậy. Ví dụ cái nhà có khoai kia cũng muốn lấy gạo nấu cơm thì oke, không có vấn đề gì nhen. Nhưng lỡ người ta cũng muốn ăn khoai chứ người ta không muốn lấy gạo để ăn cơm thì sao?
Thì người ta không có đổi. Cái nhà có gạo kia lại phải tìm một nhà khác vừa có khoai vừa muốn ăn cơm.
Thế nên đồng tiền ra đời để người ta bán gạo lấy tiền rồi mang tiền đi mua khoai.
Từ đó, những người có nhiều thứ để bán, dần tích luỹ được nhiều tiền bạc để mua những thứ họ muốn hơn.
Thế nên cũng chẳng ngạc nhiên khi từ xưa, nó được dùng để phân cấp xã hội.
Disclaimer: Mình biết là chủ đề này phức tạp hơn vài dòng ở trên của mình, nhưng tạm hiểu vậy cho nhanh đã nhé.
Quay lại hiện tại, giữa thế giới mọi người đang bảo là quá tôn thờ vật chất, làm điều gì cũng chú trọng được trả bao nhiêu, có thể kiếm được bao nhiêu tiền, thì mình thấy cũng có sao đâu?
Ở cái tuổi gần 30, một trong những tiêu chí chọn công việc của mình là tiền và thu nhập. Không phải ở vị trí đầu tiên, nhưng chắc chắn trong mục phải cân nhắc (Mà mình nghĩ ai cũng vậy thôi)
Sao lại phải quan trọng đồng tiền đến vậy?
Vì bản thân có thể không cần nhiều tiền đến vậy, nhưng nếu có trách nhiệm đối với những người mình yêu, thì cần phải kiếm đủ tiền để lo liệu trong những lúc gặp chuyện nữa.
Kiểu như là
Lúc ba mẹ người thân ốm, ai là người vào chăm nom, không có tiền thì sao đóng tiền viện phí cho họ? Dưới góc nhìn là một nhân viên y tế, tôi có thể khám bệnh miễn phí cho bạn, nhưng vật liệu y tế thì cần tiền mua, thuốc cũng cần tiền mua, chúng tôi cũng có người nhà cần chăm sóc. Các ngành nghề khác cũng vậy.
Lúc con ốm, con khát sữa, con đòi ăn, không có tiền làm sao nuôi con lớn?
Mình vì tiền, mình có gia đình cần chăm sóc, cần lắng lo. Mình vì tiền, vì bản thân cũng cần được quan tâm chăm sóc. Mình vì tiền, đôi khi để chú mèo ở nhà không đói. Mình vì tiền, vì nếu có nhiều tiền, mình còn có thể mang ủng hộ cho người cần, hoặc chăm mấy chú chó, chú mèo hoang nữa.
Không phải vì thế giới này tôn thờ vật chất hơn, mà sức lao động (của họ – những nhà cung cấp, nghiên cứu, sáng tạo) được trả giá cao hơn, nên họ có thể yêu cầu một cái giá cao hơn để đổi chác.
Những người chê bai hoặc thao túng tâm lý người khác đừng làm vì tiền, hoặc là họ có đủ tiền để sống mà chẳng cần suy nghĩ, hoặc họ chưa bao giờ phải đối mặt với những trường hợp phải cần gấp một số tiền lớn (có thể do họ chưa từng, hoặc âu thì cũng vì họ có đủ tiền).
Nhưng không phải tiền nào cũng cần
Vì tiền thì không xấu, nhưng vì tiền mà đánh đổi bản thân hoặc hãm hại người khác, thì xấu. Mình cho rằng đó mới là hành động đáng lên án nhất của việc quá tôn thờ vật chất.
Còn trong những trường hợp được lựa chọn
Khi được chọn đánh đổi và trả giá tiền bằng danh dự, nhân phẩm, hoặc đôi khi là sức khoẻ tinh thần.
Và với mình còn là những khoảnh khắc bên gia đình và người thân nữa.
Vì tiền thì có thể kiếm lại, nhưng những điều mình kể trên, một khi đã mất thì không thể kiếm lại được nữa.
Bài viết nằm trong thử thách viết 30 ngày của Writing On The Net 7
#wotn7