Vòng lặp của cuộc sống
Hồi năm ngoài có được đi học một khoá Lập trình của trưởng Stanford cho người không chuyên, các thầy giảng có câu này:
Anytime you enter a loop, think about how you’re going to get out of it
“Bất cứ khi nào bước vào một vòng lặp, hãy nghĩ về cách bạn sẽ thoát ra khỏi nó”
Mình nghĩ nó đúng không phải chỉ trong lập trình.
Có một câu lệnh khá đơn giản, phổ biến, hữu dụng, và sơ khai khi mọi người học lập trình, là câu lệnh “while”. Giờ cũng chẳng nhớ lắm, đại loại là máy tính sẽ tự động lặp lại một hành động nào đó cho đến khi thoả mãn điều kiện được đề cập trong lệnh “while”, cho đến khi không còn thoả mãn nữa, thì mới ngừng.
Nếu không chuẩn bị điều kiện kết thúc (tức là điều kiện ngược với điều kiện được đề cập trong “while”), thì đôi khi, vòng lặp có thể trở thành vòng lặp vô tận. Tức là câu lệnh đó sẽ chạy mãi, như một vòng tròn mà không tìm thấy điểm ra.
Cuộc sống thì có vòng lặp gì?
Vòng lặp trong những mối quan hệ với những người mình yêu.
Trong tình yêu, có những mối quan hệ on-off rất nhiều lần. Người trong cuộc cứ chia tay rồi lại quay lại, với lý do là tình yêu. Vì còn yêu, vì không nỡ từ bỏ, vì không thể sống thiếu. Nhưng họ quay lại khi vẫn là những con người cũ, những suy nghĩ cũ và những cách hành xử cũ. Thế thì kết quả sẽ thay đổi bằng cách nào đây?
Khi họ ôm hy vọng tái hợp sau nhiều lần tan vỡ, có lẽ điều họ thực sự tìm kiếm không phải là người kia, mà là cảm giác yêu thương, được công nhận, hay một mảnh ghép cho sự trống rỗng bên trong. Họ níu kéo chỉ để che lấp đi sự trống rỗng bên trong họ, một cái hố rỗng tuếch, không tên, không hình dạng, chẳng vừa nổi cái gì. Họ càng níu kéo, cái hố đó càng rộng ra. Bởi lẽ phơi bày sự yếu đuối và mong cầu một sự đồng hành khiến người ta trở nên hèn mọn. Cái hèn mọn kéo họ xa rời bản chất nguyên sơ và thuần khiết của mình, kéo giãn cả những hố đen trong tâm hồn. Mối quan hệ ấy giống như tấm gương phản chiếu nội tâm – nơi họ nhìn thấy nỗi sợ bị bỏ rơi và sự chối bỏ giá trị bản thân mình.
Trong những mối quan hệ khác, người ta cứ không ngừng làm tổn thương nhau, rồi lại quay lại tìm nhau làm lành, hoặc họ còn chẳng làm lành, họ chỉ lặng thinh để thời gian làm công việc của nó. Đợi khi vết thương lòng đóng vảy, thành sẹo, người ta lại quay lại, tạo thêm những vết thương mới vào lòng nhau.
Những mối quan hệ này khiến người ta mệt mỏi, bất an, sợ hãi, và đôi khi là mất liên kết với chính bản thân mình.
Ta làm gì cho những vòng lặp tổn thương đó dừng lại?
Để thực sự chữa lành, điều đầu tiên cần làm là buông tay – không phải để từ bỏ người kia, mà là để tìm lại bản thân mình.
Ta phải tự mình dừng lại để trước khi chạy một câu lệnh “While” mới, tự vấn chính mình vài câu, “Liệu ta có gì đổi khác hay không? Liệu ta có sẵn sàng thay đổi để bớt làm tổn thương người đối diện hay không?”, liệu mình có sẵn sàng thay đổi để không còn phù hợp với câu lệnh đó nữa hay không?
Vì hẳn là chẳng ai muốn quay lại nơi mà mình đã biết kết quả tồi tệ của tất cả những điều đã xảy ra.
Có lẽ để nói ra hai từ “buông tay” hay “dừng lại”,
cũng có thể chỉ là một khoảnh khắc, mà cũng có thể là một hành trình rất dài, rất khắc nghiệt mà họ đã phải đi qua.
Là từ bỏ những ám ảnh hay viễn cảnh về tương lai đã vỡ tan, chấp nhận hiện thực sẽ không xảy ra như những gì mình mong đợi, là cam kết không để quá khứ níu tay, là kiên định với lựa chọn đi về phía trước của chính bản thân mình.
Chúng ta rồi sẽ ổn thôi. Còn nếu chưa ổn, thì chưa phải là cuối cùng
Bài viết nằm trong thử thách viết 30 ngày của Writing On The Net 7
#wotn7