Câu chuyện về Đóng gói kiến thức
Bài viết nằm trong chuỗi bài đồng hành cùng mình tham dự “Học cách học #4” được tổ chức bởi Mở. Các thông tin trong bài viết được giảng dạy trong khoá học, và được trình bày lại bởi mình. Phần trình bày lại bởi mình đôi khi sẽ không tránh khỏi sai sót, nhờ mọi người góp ý thêm.
Tại sao cần phải đóng gói kiến thức?
Cho ai?
- Cho mình: Việc đóng gói kiến thức là một cách tự học hiệu quả để củng cố kiến thức của chính bản thân mình.
- Cho những người sẽ cần mình: Những người có cùng trải nghiệm với bạn, nhưng đi phía sau bạn
- Cho thế giới: Cho bất kỳ ai đi ngang qua thế giới của bạn
Việc xác định đối tượng thụ hưởng sẽ ảnh hưởng tới cách thức đóng gói kiến thức.
- Khi đóng gói kiến thức cho mình, thì cần dễ thực hiện.
- Khi đóng gói kiến thức cho người khác, thì cần dễ tiếp cận.
Có một câu ở trong lớp học mà chị Hương nói, đó là, nếu chia mức độ chuyên môn thành 5 level, dù bạn mới chỉ ở level 2, thì bạn cũng có thể hỗ trợ những bạn ở level 1 rùi
Để làm gì?
Câu hỏi này liên quan đến việc xác định mục tiêu của vấn đề bạn đang tiếp cận, bạn muốn mình biết đến mức độ nào và có thể dành bao nhiêu thời gian cho nó.
Xem thêm tại bài Nghĩ sâu về kiến thức
Như thế nào?
Sử dụng 3 chiến lược trong tự học: Lặp lại, Giải thích, Sắp xếp để biến kiến thức thành của mình, dễ hiểu hơn, dễ truyền đạt hơn và dễ tiếp cận hơn.
Công thức: Mình đóng gói nội dung X cho [mình/người cần mình/cho thế giới] vì [khám phá/ sở thích / giải quyết vấn đề / “nhà giáo nhân dân”] thông qua việc [lặp lại / giải thích / tổ chức].
#Nghĩ-thoáng về việc đóng gói tri thức và ePortfolio
Khi tiếp cận tất cả những thông tin từ hình ảnh, âm thanh, cảm xúc, những thông tin này, não bộ sẽ chủ động sắp xếp lại thông tin, tạo nên những điểm neo tri thức mới, hoặc gắn kiến thức đó với những điểm neo sẵn có.
Việc bắt đầu suy nghĩ về việc đóng gói kiến thức như thế nào sẽ thúc đẩy quá trình sắp xếp lại thông tin của não bộ để kiến thức được ghi nhớ sâu hơn.
Bên cạnh đó, việc đóng gói kiến thức giống như tạo một tài khoản tiết kiệm cho chính bản thân mình, khi đi một con đường dài để thu nhặt kiến thức. Nếu bạn có một nơi để gom hết những bài chia sẻ của mình lại (có thể là ở bất cứ đâu, bằng bất kỳ nền tảng gì) đó chính là một chiếc ePortfolio của bạn. Chiếc Portfolio này giống như một tài khoản tiết kiệm dành cho kiến thức, nơi bạn để những tài sản đã được mã hoá, đóng gói của mình vào. Việc chúng nhiều hơn từng ngày và hỗ trợ được chính bạn (khi muốn xem lại) hoặc người khác, chính là việc những kiến thức đó đang âm thầm phát triển mỗi ngày.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận việc hệ thống lại và chia sẻ kiến thức sẽ hỗ trợ chính bản thân bạn rất nhiều trong việc phát triển suy nghĩ và tư duy của mình. Ngoài ra, việc chia sẻ và tạo nên ePortfolio giúp thế giới hiểu hơn về bạn và những gì bạn đang làm, nhờ đó tạo nên những sợi dây liên kết ngầm của bạn và những người có cùng chung chí hướng, mục đích, sở thích. Một cách tự nhiên, một ngày nào đó bạn tìm được cộng đồng dành cho chính mình và những điều mình yêu.
ePortfolio cũng có một giá trị rất tích cực trong việc tìm kiếm việc làm. Ờm, nhưng mà mình không phát triển theo hướng đó, nên là mình sẽ không viết nhiều ở đây nha.
Tóm lại
- Đóng gói kiến thức cho chính bản thân mình để tự nhìn lại hành trình học tập của bản thân và hỗ trợ những người khác có thể đang và sẽ đi con đường giống như mình.