Mục đích sống và khả năng thích nghi (Phần 1)
Lại viết bài này vì cũng đọc được một bài kêu các bạn trẻ không có mục đích sống cũng không sao đâu, thế giới thay đổi suốt ấy mà, và ví dụ như hồi dịch COVID-19 🙂
Nên nó tạo cảm hứng cho mình viết bài này. Phần 2 về khả năng thích nghi sẽ viết sang bài mới, tại hơi dài
‘Em hình dung bản thân thế nào ở 5 năm tới?”
Chắc nhiều bạn đi tuyển dụng gặp câu này, và nghĩ nó là một câu hỏi vớ vẩn khi thậm chí người ngồi ở bàn tuyển dụng để hỏi câu hỏi đó cũng chưa chắc được 5 năm tới họ làm gì.
Câu hỏi vớ vẩn thì chưa chắc, nhưng phần “chưa chắc được 5 năm tới họ làm gì”, thì chắc là đúng.
Nhưng mục đích của câu hỏi này là gì?
Không chỉ muốn đánh giá tầm nhìn, định hướng, kế hoạch cá nhân của một người. Cái người tuyển dụng muốn là tìm sự phù hợp giữa bạn với công việc. Định hướng của bạn có phù hợp với định hướng của công ty không. Cho cùng, sự đồng hành cùng nhau trong công việc hay trong cuộc sống đều bắt nguồn từ hai chữ phù hợp. Phù hợp nên lựa chọn, phù hợp nên đi cùng, phù hợp nên cố gắng cùng nhau phát triển.
Nếu bạn không phù hợp với công ty, việc đưa bạn vào công ty có thể làm toàn bộ bộ máy nhân sự cũ gặp vấn đề. Phù hợp về nhiều khía cạnh, nhiều khi về nhân sinh quan và thái độ sống nữa. Còn vấn đề gì ấy hả? Người mới không thể phối hợp với người cũ để hoàn thành công việc. Chưa kể, việc cảm xúc không ổn định lúc làm việc khiến hiệu suất không được cao. Ai cũng nói là một cách chuyên nghiệp, không nên để cảm xúc ảnh hưởng đến công việc. Nhưng thật sự có xảy ra như thế không? Công việc thì vẫn hoàn thành thôi, nhưng nhân sự thì có thể không còn nguyên vẹn nữa. (Nguyên vẹn ý là mặt thể xác và tâm hồn, kiểu vậy)
Nếu bạn không phù hợp với công ty, ở góc nhìn cá nhân, thì bạn vào công ty để làm gì? Nếu bạn thay đổi bản thân (bằng cách thay đổi câu trả lời) để có được công việc đó, thì chỉ chứng minh là bạn rất cần công việc đó, và bạn hiểu công việc đó. Cần vì lương cao vì đãi ngộ tốt, vì có thể bổ sung kinh nghiệm trong CV. Hiểu vì bạn biết công việc đó cần những gì, để thay đổi câu trả lời theo hướng có lợi cho bạn. Vậy thì mục đích của bạn là để có được công việc, nuôi sống gia đình. Bản thân bạn của 5 năm sau, trên thực tế và trong câu trả lời, có thể rất khác nhau, nhưng đó là hình dung của bạn nếu 5 năm sau bạn vẫn còn gắn bó với công việc này.
Bản thân câu hỏi đó không vớ vẩn, vì lúc câu hỏi đó ra đời, người ta hỏi có mục đích, người ta có điều không biết, nên muốn hỏi.
Không biết thì hỏi, không phải ngại. Ai mà đánh giá thì đánh giá lại họ, không phải ngại luôn.
Nếu sau đó, có người dùng câu hỏi này, để làm khó, để thách thức, để đẩy người đối diện vào khủng hoảng hiện sinh, thì nó mới trở nên xấu.
Đừng bình thường hoá việc sống không có mục đích
Mình không thấy tự hào về việc bình thường hoá việc sống không có mục đích. Bạn có thể không có kế hoạch 5 năm, nhưng hãy có kế hoạch 1 tuần, 1 tháng hay thậm chí 1 ngày. Có vậy bạn mới bước tiếp và tiến lên được.
Mình từng đọc một cuốn sách về cách đưa ra quyết định tên là 10/10/10: 10 phút, 10 tháng, 10 năm của tác giả Suzy Welch. Hãy hình dung khi đứng trước một sự lựa chọn, lựa chọn đấy sẽ thay đổi cuộc sống của bạn ra sao sau 10 phút, 10 tháng, và 10 năm. Công thức này giúp ổn định cảm xúc, đưa ra những quyết định được cân nhắc chín chắn và kỹ lưỡng hơn khi đánh giá thời gian tác động của chúng. Việc hình dung bản thân ở tương lai bạn muốn trở thành mang lại nhiều lợi ích và động lực hơn bạn tưởng. Hiện tại bạn chẳng là ai, Bạn nghĩ bạn vẫn sẽ chẳng là ai trong 10 năm tới, thì hiện tại của bạn cũng sẽ hành động như bình thường. Nhưng nếu bạn nghĩ 10 năm tới có thể bạn sẽ làm được điều gì đó to tát lắm, thì bạn sẽ bắt đầu đi từng bước nhỏ, xây dựng bản thân để hoàn thành điều to tát đó. Thế giới này không được hình thành trong 1 ngày, ước mơ của bạn cũng vậy.
Hay có một câu nói quen thuộc mà chắc nhiều bạn cũng nghe rồi. “Fake it until you make it”. Thật ra khi bạn giả vờ là mình “đã là điều đó”, bạn sẽ đặt mình vào trong bối cảnh, hành động và vươn tới những kỹ năng mà “nó” yêu cầu. “Nó” có thể là một chiếc học bổng, một vị trí công việc, ở bên cạnh một người bạn yêu. Anyway, không phải lúc nào cũng thành công, nhưng bạn cũng thay đổi, theo chiều hướng tích cực hơn mà, phải không.
Trong hình dung của mình, mình của 5 năm tới chắc sẽ hằng ngày đi làm, tối về chăm con và gia đình nhỏ. Có thể bình thường với rất nhiều người, nhưng sống một cuộc đời bình thường như thế giữa thế giới ồn ào này là ước mơ của mình, vậy thôi. Đó là mục đích của mình, và mình tự hào với điều đó.
Mục đích của bạn là của bạn, không ai có quyền đánh giá hay phán xét. Nên ít nhất, là hãy có một cái.
Người tuyển dụng có thể không có một hình dung chính xác về tương lai, mà chẳng ai có hình dung chính xác cả. Nhưng ít nhất là họ có nó, để tiếp tục có động lực tiến về phía trước.
Còn nếu bạn vẫn đứng yên, trong thế giới mà ai cũng tiến lên, thì cũng tính là bạn đi lùi à.
Chưa kể nó sẽ khiến bạn mệt mỏi hơn.
Lợi ích của việc có mục đích và sống tỉnh thức hơn
- Có nhiều bạn học tới đại học năm cuối, mới hỏi mình “Em muốn đi du học thì làm thế nào hả chị?”
- Mình hỏi lại “Em có biết nơi em muốn đi họ có những điều kiện gì không?
- Em bảo “Họ cần GPA cao, họ cần kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, họ cần hoạt động ngoại khoá”
- Mình bảo “Vậy em có gì?”
- Em bảo “Em chẳng có gì”
Có nhiều chuyện thời gian đã qua rồi, không thể nào quay đầu lại được.
Nếu em biết được là em muốn đi du học từ năm nhất, hẳn là GPA của em sẽ cao hơn, em sẽ tham gia nghiên cứu khoa học và hoạt động ngoại khoá nhiều hơn. Nhưng không ai nói cho em biết cả. Thì, ít nhất việc có mục đích “đi du học” sẽ kéo em về phía trước, mà không phải kết thúc chặng đường với câu trả lời “em chẳng có gì”.
Việc học trên trường thì nhàm chán, không có động lực phấn đấu.
Cuối cùng em vẫn đi du học được, nhưng tốn thêm rất nhiều thời gian và cố gắng để làm mạnh hồ sơ, chưa kể ảnh hưởng tâm lý kéo dài vì nhận nhiều thư từ chối. Nếu có mục đích từ sớm, hẳn là em đã không mất khoảng thời gian đó, mà có thể tận hưởng nó một cách tốt hơn.
Đây chỉ là một ví dụ. Nhưng việc có mục đích giúp bạn chuẩn bị bản thân tốt hơn trước những cơn bão của cuộc đời.
Nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua
Bạn không nghĩ ra cuộc sống của mình có mục đích gì thì sao?
Thì đi tìm chứ sao.
Có nhiều con đường để đến thành La Mã, nhưng ít nhất, bạn phải biết là bạn muốn đến đó trước đã. Bạn muốn đến, thì bạn mới tìm cách để đi, tìm đường để đến đó. Có người có nhiều tiền, có máy bay riêng, có người hỗ trợ, thì đi được nhanh hơn bạn, tốn ít sức hơn. Nhưng bạn không có máy bay, bạn đi bộ, thì bạn cũng sẽ đến được thôi, nhưng lâu hơn, và phong cảnh bạn ngắm trên đường cũng khác người ta. Trải nghiệm của bạn là duy nhất.
Mục đích giống như là cái thành La Mã đó vậy.
Còn cuộc sống của bạn là con đường, bạn tự vẽ ra đoạn đường mình muốn đi.
Mà có một ngày bạn không muốn đến thành La Mã nữa, bạn muốn đến một cái thành phố khác, ví dụ như Paris, thì bạn thay đổi thôi. Nhưng trên con đường đến La Mã, hẳn là bạn cũng đã kiếm được thêm chút vốn cho bản thân mình, thì trên đường đến Paris bạn cũng đỡ chật vật hơn. Mình hy vọng vậy.
Bản thân mình từng không biết mình nên làm gì ở tương lai, nên mình chọn làm rất nhiều thứ ở hiện tại. Mình cũng không biết 5 năm tới mình còn làm bác sĩ không, hay mình đi du học rồi, mà làm bác sĩ thì làm ở đâu, làm chuyên ngành gì, đi du học thì du học ở đâu, chuyên ngành gì.
Nên mình cứ đặt từng mục tiêu ngắn hạn, nắm hết những cơ hội cuộc đời đưa cho mình, rồi cải thiện kỹ năng của bản thân từng ngày.
Rồi cũng đi được đến đây
Dù với người khác thì cũng là chưa đến đâu cả
Nhưng mình biết con đường mình đang đi, và mình sẽ tiếp tục đi. Và mình vẫn luôn sẵn sàng thay đổi
Thay đổi không phải là bỏ cuộc, mà thay đổi là để thích nghi với sự biến đổi mỗi ngày của cuộc sống
Xem tiếp phần 2 của bài viết Mục đích sống và sự thích nghi
Bài viết nằm trong thử thách viết 30 ngày của Writing On The Net 7
#wotn7