nghi-sau-ve-kien-thuc
Học cách học

#Nghĩ-Sâu về Kiến thức

Bài viết nằm trong chuỗi bài đồng hành cùng mình tham dự “Học cách học #4” được tổ chức bởi Mở. Các thông tin trong bài viết được giảng dạy trong khoá học, và được trình bày lại bởi mình. Phần trình bày lại bởi mình đôi khi sẽ không tránh khỏi sai sót, nhờ mọi người góp ý thêm.

Mở đầu

Mặc dù có một số phần não nhất định sẽ chiếm ưu thế hơn từ khi sinh ra, chúng không đại diện cho khả năng của bạn. Các lý thuyết về Learning styte, não trái và não phải, nhiều loại trí thông minh chỉ thể hiện cho khả năng đang chiếm ưu thế của bạn, và nó có thể thay đổi.

Bạn có thể hiểu thêm về trạng thái hiện tại của bản thân, và cải thiện những điểm yếu của bản thân, cũng như củng cố những điểm mạnh.

Không có kiến thức nào mà bạn không thể học! Đừng tự tạo giới hạn cho chính mình! 

Bên cạnh việc phân loại kiến thức dựa trên định nghĩa để hiểu về bản chất kiến thức, bài viết này sẽ tập trung vào phân loại kiến thức mang tính áp dụng hơn.

Lĩnh vực của kiến thức là gì?

Năm 1956, Bloom đưa ra định nghĩa phân loại các lĩnh vực của kiến thức dựa trên bản chất của chúng, bao gồm Nhận thức, Cảm xúc và Vận động.

  • Nhận thức: Là tất cả những suy nghĩ của chúng ta được xử lý trong não bộ, bao gồm tất cả những quá trình ghi nhớ, so sánh, lý luận.
  • Cảm xúc: Là những cảm nhận, cảm xúc của chúng ta
  • Vận động: Những kiến thức liên quan đến việc cần phải thực hành để thu được kiến thức, hoặc là phải thực hành trong suốt quá trình học hỏi và thành thạo kiến thức đó. Ví dụ, khi học đánh máy, chơi đàn, học bơi,…

Cac-linh-vuc-cua-kien-thuc

Tại sao việc phân loại kiến thức theo lĩnh vực lại quan trọng? 

Bởi vì mỗi một lĩnh vực của kiến thức, sẽ cần sử dụng cách tiếp cận khác nhau về cả phương pháp và mục tiêu để học được kiến thức thuộc lĩnh vực đó.

phuong-phap-hoc-dua-tren-linh-vuc-cua-kien-thuc
Phương pháp học dựa trên lĩnh vực của kiến thức. Dựa trên Bloom Taxonomy, Việt hoá bởi Chị Minh Hương – HCH#4

Khi kiến thức thuộc lĩnh vực vận động 

Lĩnh vực vận động tập trung vào sự phát triển kỹ năng vật lý và sự phối hợp của cơ thể. Việc học các kiến thức thuộc lĩnh vực này có thể được thực hiện theo những bước sau cho đến khi thực sự có được kiến thức (hay thực hiện nhuần nhuyễn kỹ năng này):

  • Bắt chước (Imitation): Bắt chước hành động của người khác.
  • Điều khiển (Manipulation): Thực hiện các hành động với một số mức độ kiểm soát và chính xác.
  • Tinh chỉnh chính xác (Precision): Thực hiện các hành động với độ chính xác cao.
  • Kết hợp nhuần nhuyễn (Articulation): Kết hợp các kỹ năng khác nhau một cách hài hòa và hiệu quả.
  • Phản xạ tự nhiên (Naturalization): Thực hiện các kỹ năng một cách tự động, không cần suy nghĩ.

Khi kiến thức thuộc lĩnh vực Cảm xúc

Các bước để học một “Cảm xúc” có thể đi theo mô hình:

  • Tiếp nhận (Receiving): Quan sát, lắng nghe, sẵn sàng tiếp nhận cảm xúc, thông tin, trải nghiệm từ môi trường.
  • Phản hồi (Responding): Chính mình tham gia phản ứng lại với thông tin hoặc trải nghiệm đó.
  • Chấp nhận & gắn kết (Valuing): Chấp nhận sự tồn tại của cảm xúc đó, gắn kết sự tồn tại của cảm xúc với các giá trị hiện có của bản thân.
  • Sắp xếp & ưu tiên (Organizing & Conceptualizing): Tổ chức sắp xếp, phân loại cảm xúc đó theo các đánh giá của bản thân.
  • Nhất quán (Characterizing by Values): Tạo ra một hệ thống giá trị cá nhân và hành động nhất quán với hệ thống đó. Tiên lượng trước cảm xúc để thực hiện hoặc né tránh những hành động có thể dẫn đến cảm xúc.

Khi kiến thức thuộc lĩnh vực Nhận thức

Cách tiếp cận để học các kiến thức thuộc lĩnh vực Nhận thức phức tạp hơn.

Đối với cách tiếp cận từ trên xuống

Khi kiến thức cần học đã có một hệ thống đánh giá và/hoặc phân loại (thường dựa trên cấp bậc) được chấp nhận và sử dụng rộng rãi. Việc học kiến thức có thể dựa trên sự phân loại đó để đạt đến cấp độ cao trong việc học tập kiến thức đó.

Ví dụ: Thi IELTS khi học tiếng Anh, Thi HSK khi học tiếng Trung, Thi TOPIK khi học tiếng Hàn,…

Đối với các tiếp cận từ dưới lên

Dựa theo Bloom Taxonomy, việc học một kiến thức mới liên quan và được đánh giá thông qua các quá trình tư duy và hiểu biết. Các cấp độ từ thấp đến cao được đánh giá là:

  • Ghi nhớ (Remember): Nhớ lại thông tin đã học.
  • Hiểu (Understand): Hiểu ý nghĩa của thông tin.
  • Vận dụng (Apply): Áp dụng kiến thức vào các tình huống mới.
  • Phân tích (Analyze): Phân tích các thành phần và cấu trúc của thông tin.
  • Sáng tạo (Create): Tạo ra các sản phẩm hoặc ý tưởng mới dựa trên kiến thức đã học.

Tuy nhiên,  việc ghi nhớ có hoàn toàn quá cần thiết trong bối cảnh hiện tại, khi có quá nhiều những thiết bị hỗ trợ ghi nhớ và truy xuất thông tin. Bên cạnh đó, việc ghi nhớ, theo lý thuyết Connectivism, như được đề cập trong phần những lý thuyết học tập,

Học là tự lưu trữ, kết nốitruy hồi thông tin mà ta có thể biết hoặc chưa biết.

Và ở bậc cuối cùng, Sáng tạo, theo lý thuyết Constructivism

Học là tạo ra kiến thức mới dựa vào thứ mình sẵn có và môi trường cung cấp

Vậy liệu ghi nhớ có phải là bắt đầu của hành trình học, và sáng tạo có phải là đích đến của hành trình học?

Sự mâu thuẫn dẫn đến một cách tiếp cận khác khi những kiến thức thuộc lĩnh vực nhận thức, sẽ được trình bày ở phần dưới.

Hình thái của kiến thức là gì?

Lấy ý tưởng từ tảng băng trôi, Michael Polanyi đưa ra khái niệm về những kiến thức của con người, phần lớn là nằm ở phần tảng băng ở phía dưới mặt nước, hoặc là, nằm ở bên dưới bề mặt nhận thức của chúng ta.

Hinh-thai-cua-kien-thuc
Hình thái của kiến thức. Nguồn: Chị Minh Hương – HCH#4

Tri Thức Hiện Hữu (Explicit Knowledge)

Đây là loại kiến thức rõ ràng, có thể được ghi chép và truyền đạt một cách dễ dàng, bằng các ngôn ngữ chính thức, có hệ thống. Tri thức này bao gồm những định nghĩa và sự thật hiển nhiên,  thường được sử dụng trong các tài liệu hướng dẫn, sách giáo khoa, và các tài liệu đào tạo, có thể nhìn thấy được, và có thể tiếp cận được đối với người khác.

Đây là kiến thức thuộc phần tảng băng nổi trên mặt nước.

Tri Thức Tiềm Năng (Implicit Knowledge)

Tri thức Tiềm năng là loại kiến thức không phải lúc nào cũng được ghi chép rõ ràng nhưng có thể được truyền đạt thông qua thực hành và kinh nghiệm. Bao gồm quy luật, quy trình, và nguyên tắc. Tri thức tiềm năng thường được chia sẻ thông qua huấn luyện, thực tập và mentoring, nơi người học có thể tiếp thu kiến thức thông qua thực hành. Kiến thức này có thể nhìn thấy được một phần, có thể được bộc lộ thông qua thực hành và thảo luận.

Tri Thức Tiềm Ẩn (Tacit Knowledge)

Tri thức tiềm ẩn là kiến thức ở sâu nhất và cần nhiều thời gian để thành thạo nhất. Đây là loại kiến thức mang tính chủ quan, khó diễn đạt và truyền đạt, thường dựa trên kinh nghiệm cá nhân, trực giác và tư duy. Tri thức tiềm ẩn thường được thu nhận thông qua trải nghiệm thực tế, tương tác trực tiếp với công việc hoặc vấn đề cụ thể.

Tri thức hiện hữu thường là điểm khởi đầu cho việc học tập, sau đó tiến tới tri thức tiềm năng qua thực hành và cuối cùng đạt tới tri thức tiềm ẩn thông qua đúc kết kinh nghiệm sâu sắc cho bản thân mình.

Mục tiêu học kiến thức này là gì?

Cá nhân hoá, mục tiêu được lựa chọn dựa trên độ sâu của kiến thức mà bạn muốn đạt được và thời gian bạn muốn “đầu tư” để đạt được kiến thức đó.

xac-dinh-muc-tieu-hoc-tap
Xác định mục tiêu học tập dựa trên lĩnh vực học tập và thời gian đầu tư. Hình ảnh được cá nhân hoá từ slide khoá học HCH#4 bằng trải nghiệm cá nhân.
  • Khi kiến thức được học không yêu cầu quá sâu và bạn không có nhiều thời gian cho nó, bạn có thể đạt mục tiêu “Khám phá” kiến thức đó thôi.
  • Khi kiến thức được học yêu cầu một độ sâu nhất định, nhưng bạn lại không có nhiều thời gian cho nó, bạn cần biết được vấn đề cụ thể bạn cần giải quyết là gì, để tiết kiệm thời gian nhất có thể.
  • Khi kiến thức cần học không quá sâu, nhưng bạn có dành rất nhiều thời gian cho nó, thì việc học kiến thức đó như là một sở thích cá nhân và có thể được duy trì trong thời gian dài, nhưng không yêu cầu đạt đến độ sâu của kiến thức.
  • Khi kiến thức cần học đủ sâu và cần thời gian dài để đạt được, thì mục tiêu là trở thành “Nhà giáo nhân dân” trong lĩnh vực kiến thức đó.

Tóm lại

Phương pháp/Chiến lược học tập được lựa chọn sau khi xác định được mục tiêu và hình thái của kiến thức cần được học.

lua-chon-phuong-phap-hoc-tap-dua-tren-kien-thuc-va-muc-tieu
Lựa chọn phương pháp học tập dựa trên kiến thức và mục tiêu. Nguồn: Chị Minh Hương – HCH#4

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *