nghi-thoang-va-nghi-sau-ve-dong-luc-hoc-tap
Học cách học

#nghĩ-thoáng và #nghĩ-sâu về động lực học tập

Bài viết nằm trong chuỗi bài đồng hành cùng mình tham dự “Học cách học #4” được tổ chức bởi Mở. Các thông tin trong bài viết được giảng dạy trong khoá học, và được trình bày lại bởi mình. Phần trình bày lại bởi mình đôi khi sẽ không tránh khỏi sai sót, nhờ mọi người góp ý thêm.

Tổng quan

Động lực là quá trình xảy ra ở bên trong mỗi con người, khởi nguồn cho tất cả những hành động của chúng ta. Chúng là khởi nguồn cho một mục tiêu và ý tưởng, sau đó định hướng và duy trì những hành động của chúng ta để hoàn thành mục tiêu và ý tưởng đó.

Giống như một cái cây, động lực bị ảnh hưởng bởi cả những yếu tố bên trong (chính cái cây) và những yếu tố bên ngoài (môi trường sinh trưởng và phát triển của cái cây đó). 

Yếu tố bên trong chính là điều kiện thể chất (Physical condition) của mỗi người.

Yếu tố bên ngoài chính là môi trường chúng ta sinh sống, những thứ kích thích phản ứng (emotion) của chúng ta.

Bên cạnh đó, Động lực được hình thành và duy trì nhờ 5 trụ cột chính Sở thích và trí tò mò (Interest & Curiosity); Sự ghi nhận (Attribution); Tư duy (Mindset); Mục tiêu (Goals) và Niềm tin vào năng lực (Seft-efficacy) mà chúng ta sẽ phân tích kỹ hơn sau đây.

5-tru-cot-chinh-cua-dong-luc
5 trụ cột chính hình thành và duy trì động lực. Nguồn: Chị Minh Hương – HCH#4

Sở thích và trí tò mò (Interest & Curiosity)

Có nhiều hơn một loại trí tò mò. Sự tò mò là phản ứng của chúng ta trước những kích thích mới lạ liên quan tới sở thích nhưng mang tính chưa chắc chắn. Sự tò mò khởi nguồn từ bên trong thúc đẩy hành động khám phá những kích thích, tìm kiếm thêm để thu được thông tin mới.

Năm 1954, Nhà hành vi học Berlyne đã phân chia trí tò mò thành Trí tò mò thông tin (Epistemic Curiosity) và Trí tò mò trải nghiệm (Perceptual Curiosity).

  • Trí tò mò thông tin được khơi dậy bởi những ý tưởng hoặc khái niệm mang tính chất mập mờ (uncertainty) hoặc mâu thuẫn (Conflict) (ví dụ: lý thuyết khoa học, câu hỏi hóc búa về trí tuệ), thúc đẩy việc đặt câu hỏi hoặc thử nghiệm các giả thuyết để thu được kiến ​​thức.
  • Trí tò mò trải nghiệm được khơi dậy bởi các mô hình kích thích giác quan phức tạp (complexity), hoặc mới lạ (novelty), khơi dậy trí tưởng tượng (fantasy)  (ví dụ: hình ảnh, âm thanh), thúc đẩy các hành vi như kiểm tra trực quan để thu thập thông tin mới.

Make learning a novel: build a fantasy world where you can apply what you learn & connect your learning with your interest

Bên cạnh đó, dựa vào mức độ đa dạng (diverse) hay cụ thể (specific) của trải nghiệm hay của thông tin, người học sẽ có. hành vi khám phá khác nhau, sử dụng các công cụ và mô hình khác nhau.

  • Khi cần tìm kiếm thông tin chi tiết, sử dụng Google Scholar
  • Khi cần thông tin đa dạng, sử dụng TedTalk
  • Khi cần những trải nghiệm cụ thể, các trò chơi được thiết kế theo mô hình cụ thể
  • Khi cần những trải nghiệm đa dạng, Tiktok có thể là một ví dụ

Trí tò mò được khơi dậy cùng với tác động của những thói quen từ trước và môi trường xung quanh sẽ kích thích hành vi tìm hiểu thông tin để thu được thông tin mới. Việc hiểu biết về trí tò mò của bản thân có thể thông qua một hành động là review lại những bookmark từ trong quá khứ. Những nội dung đã được lưu lại sẽ phản ánh mô hình tò mò của bạn. Đồng thời, việc hiểu về mô hình tò mò của bản thân sẽ hỗ trợ bạn tạo thêm động lực trong quá trình học tập, bằng cách expose bản thân với những dạng thông tin liên quan.

Mo-hinh-bon-loai-tri-to-mo
Mô hình 4 loại trí tò mò, lấy cảm hứng từ Berlyne (1960), được mô hình hoá và Việt hoá bởi Người đồng hành Chị Minh Hương – HCH #4

Sự ghi nhận (Attribution)

Lý thuyết về sự ghi nhận được công bố bởi Weiner năm 1985. Theo đó, có một sự liên kết có thể chứng minh được giữa sự tự nhận thức và thành tích. Những bằng chứng cho thấy có thể tìm thấy 3 điểm chung khi đánh giá những nhận thức về nguyên nhân của sự thành công hay thất bại. Chúng là điểm kiểm soát tâm lý, điểm ổn định và điểm quản lý hành động.

Con người là những nhà khoa học ngây thơ: cố gắng hiểu các yếu tố quyết định nguyên nhân dẫn đến hành vi của họ và của người khác.

Điểm kiểm soát tâm lý (Locus of Control)

  • Bên trong (Internal): Nguyên nhân nằm ở chính chủ thể. Ví dụ, “mình đã cố gắng hết sức”.
  • Bên ngoài (External): Nguyên nhân nằm ở các yếu tố bên ngoài, như người khác hoặc hoàn cảnh. Ví dụ, “giáo viên này quá khó”.

Điểm ổn định (Stability):

Nhận thức về tính ổn định hay không ổn định của chủ thể, hoặc của sự việc (nói cách khác, chính là nguyên nhân của động lực) theo thời gian.

  • Ổn định (Stable): Nguyên nhân được xem là không thay đổi. Ví dụ, “mình luôn giỏi môn toán”.
  • Không ổn định (Unstable): Nguyên nhân có thể thay đổi. Ví dụ, “mình hôm nay không khỏe”.

Điểm quản lý hành động (Controllability):

Là khả năng chủ thể, hoặc sự việc, hoặc nguyên nhân có thể kiểm soát được (ví dụ, giờ học, bài học, nỗ lực của bản thân…) hay không thể kiểm soát được (ví dụ, thái độ của người khác, thời tiết,…). Phân biệt liệu nguyên nhân có thể được kiểm soát hay không:

  • Có thể hành động/kiểm soát (Controllable): Những nguyên nhân có thể điều chỉnh hoặc quản lý. Ví dụ, “mình có thể thay đổi giờ học để phù hợp hơn”.
  • Không thể hành động/kiểm soát (Uncontrollable): Những nguyên nhân ngoài khả năng kiểm soát. Ví dụ, “thời tiết hôm nay quá xấu”.

Kết hợp các điểm này giúp hiểu rõ hơn về cách chủ thể lý giải các sự kiện, ảnh hưởng đến cảm xúc, động lực và hành vi của họ. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các chiến lược học tập và quản lý cảm xúc.

Ly-thuyet-ve-su-ghi-nhan
Lý thuyết về sự ghi nhận, bởi Weiner năm 1985, được Việt hoá bởi Người đồng hành Chị Minh Hương – HCH #4

Your attributions will come back to you, either as a positive or negative reinforcement.

Những lời nói của mình rồi sẽ quay lại với mình.

Tư duy (Mindset)

Theo Carol Dweck, 2016, tư duy là một chuỗi các niềm tin hoặc thái độ của một người để giúp họ định hình cách tiếp cận vấn đề và hành động tư duy của một người dịch chuyển liên tục từ kiên định (fixed) đến phát triển (growth), tùy thuộc vào cách một người hiểu về bản thân họ.

A continuum belief or attitude that shapes one approach to situation from fixed to growth depending on how people understand themselves.

Carol Dweck, 2016

 

Tư duy kiên định thường dựa vào các yếu tố bên ngoài, trong khi tư duy phát triển dựa vào động lực nội tại và niềm đam mê tự nhiên. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và học tập.

Tư duy kiên định (fixed mindset) thường liên quan đến động lực bên ngoài và tình trạng nản lòng (amotivation). Khi không có điều chỉnh (non-regulation), người ta thường cảm thấy vô cảm và thờ ơ, không có ý định hành động. Động lực bên ngoài (extrinsic motivation) được chia thành các cấp độ từ tác động bên ngoài (external regulation) đến tác động ý thức (introjected regulation). Ở mức tác động bên ngoài, động lực đến từ phần thưởng hay hình phạt. Tác động ý thức là khi người ta bị ép buộc hoặc cảm thấy trách nhiệm với người khác.

Ngược lại, tư duy phát triển (growth mindset) liên quan đến động lực bên trong (intrinsic motivation). Động lực này xuất phát từ niềm yêu thích và sự tò mò tự nhiên, đam mê thử thách. Trong quá trình điều hướng và tích hợp các tác động về với giá trị nội tại, động lực bên ngoài có thể chuyển hóa thành động lực bên trong. Ví dụ, tác động tích hợp (integrated regulation) là khi giá trị của mục tiêu phù hợp với bản thân, còn tác động bên trong (intrinsic regulation) là khi hành động xuất phát từ niềm vui và sự chủ động.

Tu-duy-kien-dinh-va-tu-duy-phat-trien
Tư duy kiên định và tư duy phát triển. Nguồn: Người đồng hành Chị Minh Hương – HCH #4

Quá trình chuyển đổi động lực từ bên ngoài sang bên trong, bằng cách điều hướng và tích hợp các tác động về với giá trị nội tại, giúp người học tự tạo ra động lực và cam kết với mục tiêu của mình một cách tự nguyện và sâu sắc hơn. Quá trình này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tư duy phát triển (growth mindset), giúp người ta duy trì sự kiên trì và nỗ lực trong học tập và công việc.

Giá trị nội tại

Giá trị nội tại là những nhu cầu cốt lõi thúc đẩy hành vi và phát triển cá nhân của mỗi người, bao gồm Relatedness (Kết nối), Competency (Năng lực), và Autonomy (Tự chủ). Các giá trị này cùng nhau tạo nên nền tảng cho sự phát triển cá nhân, giúp mỗi người định hình rõ ràng hơn mục tiêu và định hướng cuộc sống của mình.

  • Kết nối (Relatedness) nhấn mạnh sự cần thiết phải cảm thấy gắn bó với người khác và có cảm giác thuộc về một cộng đồng.
  • Năng lực (Competency) tập trung vào nhu cầu cảm thấy hiệu quả trong tương tác với môi trường.
  • Tự chủ (Autonomy) thể hiện nhu cầu có khả năng tự quyết định và tin tưởng vào khả năng lựa chọn của mình.
Gia-tri-noi-tai
Giá trị nội tại.Nguồn: Người đồng hành Chị Minh Hương – HCH #4

Mục tiêu (Goals)

Tư duy ảnh hướng lớn tới việc đặt ra mục tiêu. Việc lựa chọn mục tiêu và cách tiếp cận thử thách lại ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp.

Tư duy không chỉ ảnh hưởng đến cách thức đạt mục tiêu mà còn tác động đến thái độ đối với thử thách và thất bại trong cuộc sống.

Người có tư duy phát triển có xu hướng linh hoạt hơn, dễ dàng thích ứng và học hỏi từ sai lầm, từ đó giúp họ phát triển bền vững và đạt được thành tựu lâu dài. Trong khi đó, người có tư duy kiên định có thể bị hạn chế bởi nỗi sợ thất bại và ít cơ hội để phát triển thêm năng lực mới.

Muc-tieu
Mục tiêu. Nguồn: Người đồng hành Chị Minh Hương – HCH #4

Niềm tin vào năng lực (Seft-efficacy)

Niềm tin vào năng lực (self-efficacy) là một khái niệm quan trọng được Albert Bandura giới thiệu vào năm 1977. Niềm tin vào năng lực là niềm tin của một cá nhân vào khả năng của mình để thực hiện các hành động cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể. Niềm tin vào năng lực không chỉ ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận về khả năng của mình mà còn quyết định mức độ nỗ lực và sự kiên trì của chúng ta khi đối mặt với khó khăn. Chính vì vậy, việc xây dựng và duy trì niềm tin vào năng lực là rất quan trọng để đạt được thành công trong cuộc sống. Có 4 nguồn chính tạo nên niềm tin vào năng lực:

  1. Trải nghiệm “hình mẫu” (vicarious experiences): Khi chúng ta quan sát người khác thành công trong một nhiệm vụ, chúng ta có thể cảm thấy mình cũng có khả năng làm được điều tương tự.
  2. Lời nói thuyết phục (verbal persuasion): Những lời động viên, khích lệ từ người khác có thể giúp củng cố niềm tin vào năng lực của chúng ta.
  3. Trải nghiệm “cột mốc” (enactive mastery experiences): Những kinh nghiệm thành công trong quá khứ là yếu tố mạnh mẽ nhất để xây dựng niềm tin vào năng lực.
  4. Tình trạng cảm xúc/sinh lý (physiological state): Trạng thái cảm xúc và thể chất của chúng ta cũng ảnh hưởng đến niềm tin vào năng lực. Khi cảm thấy thoải mái và không căng thẳng, chúng ta sẽ tự tin hơn.
Niem-tin-vao-nang-luc
Niềm tin vào năng lực. Nguồn: Người đồng hành Chị Minh Hương – HCH #4

Tài liệu tham khảo

  1. The measurement of perceptual curiosity – Robert P. Collins
  2. An Attributional Theory of Achievement Motivation and Emotion
  3. Self-efficacy: Toward a Unifying Theory of Behavioral Change

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *