nghi-thoang-ve-viec-hoc
Học cách học

Nghĩ thoáng về việc học

Bài viết nằm trong chuỗi bài đồng hành cùng mình tham dự “Học cách học #4” được tổ chức bởi Mở

Thông qua lớp học này, mình nhận ra những khái niệm rất mới.

“Học” là gì?

Có nhiều định nghĩa về “Học là gì?”, và ở mỗi góc độ của Tâm lý học, Triết học, hay Giáo dục, hay Khoa học máy tính,… thì việc “Học” lại mang một định nghĩa khác nhau.

Sẽ không có câu trả lời đúng cho định nghĩa này, vì câu trả lời còn phản ánh “giả định ban đầu”

Tuy nhiên, nhìn chung, đều là để trả lời cho các câu hỏi:

  • Kiến thức là gì
  • Trí não là gì?
  • Ta có thể sở hữu tri thức hay không?
  • Làm thế nào để có tri thức?

“Kiến thức” là gì?

Có nhiều định nghĩa về kiến thức, nhưng đây hẳn là lời giải thích đầy đủ nhất mà mình từng được nghe.

Kiến thức tồn tại ở 3 dạng: Những điều là sự thật (Truth), Những điều thuộc về niềm tin (Belief), và Những điều nằm ở điểm giao nhau của Sự thật và niềm tin (Điểm đồng thuận – Negotiation)

  • Kiến thức là sự thật
    • Có giới hạn
    • Có thể được truyền đạt lại cho người khác
    • Có thể đo lường được
  • Kiến thức là niềm tin
    • Không có giới hạn
    • Mang tính chất cá nhân, được nhìn ở nhiều góc độ và quan điểm khác nhau => Khó truyền đạt
    • Không thể đo lường được
  • Kiến thức là sự đồng thuận giữa sự thật và niềm tin
    • Là những kiến thức có bối cảnh cụ thể và có tính hữu dụng
    • Những kiến thức này có thể được đo lường dựa trên sự đồng thuận của những người đánh giá
Kien-thuc-la-gi
Kiến thức là gì?

Có thể sở hữu kiến thức không và làm thế nào?

  • Kiến thức là sự thật: Có thể sở hữu và biến kiến thức thành của mình bằng cách thu nạp kiến thức
  • Kiến thức là niềm tin: Có thể tạo ra, nhưng không thể sở hữu. Có được kiến thức nhờ tự mình xây dựng và sáng tạo.
  • Kiến thức là sự đồng thuận: Có thể sở hữu nhưng chỉ giới hạn ở những điều chính bản thân chủ thể từng trải qua. Sở hữu bằng cách trực tiếp tham gia thu nạp kiến thức

 

Co-the-so-huu-kien-thuc-khong-va-lam-the-nao
Có thể sở hữu kiến thức không và làm thế nào? (Chị Minh Hương – HCH#4)

7 lý thuyết học tập phổ biến

Các lý thuyết học tập (learning theories) là khởi nguồn của các chiến lược, chiến thuật và kỹ thuật giảng dạy đã được kiểm chứng, khái quát hoá và xác nhận. Việc hiểu biết về những lý thuyết học tập cung cấp nền tảng quan trọng cho việc nhận biết và khắc phục các vấn đề đang tồn tại trong việc giảng dạy, hoặc đối với người học, để lựa chọn ra chiến lược học tập thông minh và hợp lý. Mặc dù có 7 lý thuyết học tập sẽ được liệt kê, tuy nhiên trong số đó, chỉ có 4 lý thuyết quan trọng nhất và được ứng dụng thường xuyên nhất bao gồm: Behaviorism, Cognitivism, Constructivism, Connectivism

Objectivism

Học là nhận “chuyển giao” nội dung đúng và dễ hiểu

Lý thuyết Objectivism tin rằng kiến thức là tập hợp những sự kiện, nguyên tắc và lý thuyết khách quan, tồn tại bên ngoài tâm trí con người, hoặc độc lập với những gì một cá nhân có thể tin hoặc không thể tin. Do đó, các định luật vật lý là không đổi, mặc dù kiến ​​thức của chúng ta về chúng có thể tiến triển khi chúng ta khám phá ra ‘sự thật’ ngoài kia. Và công việc của giáo viên/người hướng dẫn là truyền đạt lại những thông tin này cho người học.

Việc truyền tải hiệu quả khối kiến ​​thức này trở nên có tầm quan trọng trung tâm. Các bài giảng và sách giáo khoa và chương tình giảng dạy phải có nhiều thông tin, có được tổ chức tốt và rõ ràng. Một giáo viên thuộc lý thuyết Objectivism  phải kiểm soát chặt chẽ những gì và cách thức học sinh học, lựa chọn những gì quan trọng để dạy, trình tự, các hoạt động học tập và cách đánh giá người học.

Instructivism

Học là nhận “chuyển giao” hành trình từng bước từ mục tiêu đến chi tiết. 

Theo lý thuyết này, kiến thức được truyền trực tiếp từ người hướng dẫn tới người học (tiếp thu kiến thức một cách thụ động). Chương trình giảng dạy đã được thiết kế phục vụ mục đích cụ thể và tuân theo một lộ trình cụ thể. Hành trình học tập của học sinh trải qua lần lượt theo lộ trình đó và họ chỉ tiến hành bước tiếp theo sau khi bước trước đó đã được thoả mãn. Có hai nguyên tắc động của lý thuyết này này:

  • Giáo viên là tác nhân chính của việc học – họ kiểm soát nó bằng những nguyên tắc của tâm lý học và giảng dạy.
  • Giáo dục là thay đổi hành vi (học tập) của học sinh từ trước đây sang những hành vi được giáo viên thiết kế riêng và được đánh giá (bởi giáo viên) là tốt hơn.

Vì thế cho nên, việc tiêu chuẩn hoá các chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy, và phương pháp đánh giá hiệu quả học tập là vô cùng quan trọng khi áp dụng lý thuyết này.

Behaviorism

Học là nhận các kích thích (stimulus) để nhận các phản hồi (response) phù hợp

Behaviorism bắt nguồn từ thế kỷ 19 từ những nhà tâm lý học B.F.Skinner và J.B.Waston. Lý thuyết này tin rằng các hành động học tập được thúc đẩy bởi các yếu tố ngoại lực (external forces) hơn là những yếu tố nội lực (internal forces). Thí nghiệm về những chú chó của Pavlov là một ví dụ đặc trưng của lý thuyết này.

Đặc trưng của lý thuyết này là người học phản ứng với các kích thích của môi trường, thay vì đóng vai trò tích cực và chủ động trong việc khám phá môi trường. Việc sử dụng kích thích một cách thích hợp của môi trường (giáo viên, người hướng dẫn, hoặc chính người học…) đóng vai trò quan trọng đối với những hành vi học tập của người học.

Một ứng dụng của Behaviorism trong việc học là phương pháp học lặp lại ngắt quãng (spaced-repetition) vì nó kích thích não bộ để nhớ lại kiến thức đã học, thường chỉ phù hợp với việc học những loại kiến thức là ‘sự thật’ và ‘thu nạp’.

Humanism

Học là khám pháphát huy tiềm năng của bản thân.

Dựa trên tháp nhu cầu của Maslow. Lý thuyết Humanism cho rằng học tập là cách để con người  phát huy hết tiềm năng của mình. Vì vậy, lý thuyết này tập trung vào con người toàn diện chứ không chỉ nhu cầu nhận thức hay mục tiêu học tập cụ thể.

Một giáo viên/người hướng dẫn theo lý thuyết Humanism đóng vai trò là một hình mẫu hoặc người cố vấn, cho học sinh cơ hội định hướng và tự quyết định việc học của chính mình. Điều này cho phép học sinh cảm thấy được trao quyền trong việc học tập và có thể khám phá phong cách riêng của cá nhân mình. Điều quan trọng đối với các giáo viên theo lý thuyết Humanism là tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của học sinh bằng nhiều cách khác nhau với mục tiêu chính là giúp học sinh cảm thấy có động lực học tập.

Nhìn chung, các giáo viên theo lý thuyết này tin rằng việc coi trọng cảm xúc cùng với việc khuyến khích cũng như trao cơ hội để học sinh được khám phá và phát triển cá nhân sẽ giúp người học phát huy hết tiềm năng của mình.

Constructivism

Học là tạo ra kiến thức mới dựa vào thứ mình sẵn có và môi trường cung cấp

Lý thuyết Constructivism đã được Jean Piaget, Vygotsky, Gagne và Dewy áp dụng từ tâm lý học, triết học, giáo dục và xã hội học vào lý thuyết học tập. Lý thuyết này bao gồm 3 nhánh chính:

  • Cognitive constructivism,
  • Social constructivism
  • Radical constructivism.

Lý thuyết Constructivism nhấn mạnh vai trò tích cực của người học trong việc xây dựng sự hiểu biết của chính họ. Quá trình học tập sẽ đạt hiệu quả tốt nhất khi người học chủ động tham gia vào quá trình học thay vì tiếp nhận kiến thức một cách thụ động. Bên cạnh đó, giáo viên/người hướng dẫn khi áp dụng lý thuyết này cũng hiểu là mỗi học sinh có một nền tảng kiến thức riêng, có những trải nghiệm riêng trong lớp học và chúng sẽ ảnh hưởng đến cách họ tiếp thu những bài học mới và xây dựng những kiến thức mới.

Connectivism

Học là tự lưu trữ, kết nốitruy hồi thông tin mà ta có thể biết hoặc chưa biết.

Lý thuyết Connectivism được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2005 bởi hai nhà lý thuyết George Siemens và Stephen Downes.

Lý thuyết này dựa trên hai khái niệm quan trọng là “nút” và “liên kết”. Mỗi một chủ thể (con người hoặc thông tin) được coi là một nút. Và sự liên kết và duy trì liên kết giữa các nút hình thành nên kiến thức. Trong lý thuyết này, người học nên kết hợp suy nghĩ, kiến thức và thông tin chung một cách hữu ích. Sự hợp tác và thảo luận nhóm cũng được đề cao, chấp nhận có những quan điểm và ý kiến khác nhau khi tìm hiểu thông tin, đưa ra quyết định, và giải quyết vấn đề. Lý thuyết này cũng thúc đẩy việc học tập diễn ra bên ngoài cá nhân, chẳng hạn như thông qua phương tiện truyền thông xã hội, mạng trực tuyến, blog hoặc cơ sở dữ liệu thông tin.

Cognitivism

Học là quá trình giải mã các thông tin (mới) được cung cấp dựa trên những gì mình đã biết.

Vào cuối những năm 1950, lý thuyết học tập bắt đầu chuyển từ việc sử dụng các mô hình hành vi sang cách tiếp cận dựa trên các lý thuyết và mô hình học tập từ khoa học nhận thức. Các nhà tâm lý học và nhà giáo dục bắt đầu giảm bớt mối quan tâm đến hành vi công khai, có thể quan sát được và thay vào đó nhấn mạnh vào các quá trình nhận thức phức tạp hơn như suy nghĩ, giải quyết vấn đề, ngôn ngữ, hình thành khái niệm và xử lý thông tin.

Sự chuyển đổi này từ định hướng hành vi (trong đó nhấn mạnh vào việc thúc đẩy thành tích công khai của học sinh bằng cách vận dụng vật liệu kích thích) sang định hướng nhận thức (trong đó nhấn mạnh vào việc thúc đẩy quá trình nhận thức) đã tạo ra một sự thay đổi từ việc chú trọng vào các tài liệu và mô hình giảng dạy của giáo viên/người hướng dẫn, sang chú trọng sự tương tác của học sinh đối với kiến thức và hệ thống giảng dạy. Lý thuyết Cognitivism tập trung vào việc khái niệm hóa quá trình học tập của học sinh và giải quyết các vấn đề về cách bộ não tiếp nhận, sắp xếp, lưu trữ và truy xuất thông tin. Việc học không quan tâm nhiều đến những gì người học làm mà quan tâm đến những gì họ biết và cách họ tiếp thu nó. Việc tiếp thu kiến ​​thức được mô tả như một hoạt động tinh thần đòi hỏi người học phải mã hóa và cấu trúc nội bộ. Người học được xem là tham gia rất tích cực vào quá trình học tập.

7-ly-thuyet-hoc-tap-pho-bien
7 lý thuyết học tập phổ biến (Chị Minh Hương – HCH#4)

Tài liệu tham khảo

  1. Học cách học #4
  2. Behaviorism, Cognitivism, Constructivism: Comparing Critical Features From an Instructional Design Perspective
  3. Connectivism Learning Theory – WGU
  4. What Is Constructivism? – WGU

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *