#Nghĩ-sâu về Trải nghiệm và Hành trình tự học
zBài viết nằm trong chuỗi bài đồng hành cùng mình tham dự “Học cách học #4” được tổ chức bởi Mở. Các thông tin trong bài viết được giảng dạy trong khoá học, và được trình bày lại bởi mình. Phần trình bày lại bởi mình đôi khi sẽ không tránh khỏi sai sót, nhờ mọi người góp ý thêm.
Khi có giáo viên hướng dẫn
Mô hình thiết kế chương trình giảng dạy của Dick & Carey – Model on Instructional Design
Sau khi Xác định mục tiêu giảng dạy (Instructional Goals), giáo viên/người hướng dẫn Thực hiện khảo sát đào tạo (Conduct Training Surveys) để khảo sát, thu thập phản hồi từ người học và giảng viên về chương trình đào tạo nhằm cải thiện chương trình giảng dạy. Đồng thời, việc Xác định hành vi/năng lực người học bao gồm khả năng, kiến thức nền tảng và các đặc điểm học tập của họ giúp thiết kế nội dung và phương pháp giảng dạy, kiểm tra phù hợp. Kết hợp những thông tin trên, giáo viên/người hướng dẫn Viết mục tiêu hiệu suất (Performance Objectives) để xác định các tiêu chí cụ thể và đo lường được mà người học cần đạt được, dưới góc độ performance, có thể đo lường được, từ đó Thiết kế tiêu chí hiệu suất cần được kiểm tra để đo lường hiệu quả giảng dạy và kiến thức của người học, đảm bảo các mục tiêu giảng dạy được đo lường một cách chính xác. Tiếp sau đó, giáo viên/người hướng dẫn Thiết kế chiến lược giảng dạy phù hợp để đạt được mục tiêu giảng dạy và Thiết kế và lựa chọn nội dung giảng dạy sao cho phù hợp với các mục tiêu và chiến lược giảng dạy đã được thiết lập trước đó.
Dựa vào khảo sát đào tạo, chương trình giảng dạy bao gồm cả mục tiêu, chiến lược, nội dung, và tiêu chí đánh giá có thể được thay đổi không ngừng để phù hợp với đối tượng học cũng như rút kinh nghiệm cho những lần dạy học sau.
Trong khi kết thúc quá trình giảng dạy, cần Thiết kế & thực hiện kiểm tra trong giảng dạy để theo dõi tiến độ của người học và điểm chỉnh chương trình giảng dạy nếu cần.
Sau khi kết thúc quá trình giảng dạy, cần Thiết kế & thực hiện kiểm tra sau giảng dạy để đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu của giảng dạy.
Mô hình của Dick & Carey giúp đảm bảo rằng chương trình giảng dạy không chỉ phù hợp với nhu cầu của người học mà còn đạt được hiệu quả giảng dạy cao nhất.
Các hoạt động Xác định mục tiêu giảng dạy, Viết mục tiêu hiệu suất, Thiết kế tiêu chí hiệu suất cần được kiểm tra và Xác định hành vi/năng lực người học sẽ rất khó khăn cho những người tự học có thể nhìn thấy toàn bộ những vấn đề khi chưa có đủ kiến thức. (Trong khi đó đối với giảng viên/người hướng dẫn, vừa có kiến thức, vừa có kinh nghiệm với những thế hệ học trò trước, thì bức tranh vấn đề này bao quát, rõ ràng và cụ thể hơn nhiều)
Mô hình 9 sự kiện trong thiết kế giảng dạy của Gagne: Gagne’s 9 Event Of Instruction
Được giới thiệu lần đầu tiên năm 1965, mô hình 9 sự kiện trong thiết kế giảng dạy của Gagne (Gagne’s 9 event of Instruction) đưa ra một cách tiếp cận khác, tập trung hơn đến trải nghiệm của người học trong suốt quá trình học tập. Chúng bao gồm các sự kiện chính sau:
- Kích thích sự tò mò (Gaining Attention): Liên quan tới lý thuyết về Động lực, tăng cường động lực khi bước vào lớp
- Thông báo mục tiêu học tập (Informing Learners of Objectives): Giúp người học xây dựng được thêm động lực (ta biết ta đi đến đâu) và xây dựng lược đồ kiến thức và những điểm nao nhận thức sơ bộ.
- Gợi nhắc kiến thức/kinh nghiệm (Stimulating Recall of Prior Learning): mở ra những điểm neo nhận thức cũ về kiến thức và kinh nghiệm trước đây để kết nối những thông tin mới tốt hơn.
3 bước chuẩn bị về mặt nhận thức giúp xây dựng môi trường, tâm thế, cảm xúc, không gian, trí nhớ để người học sẵn sàng cho những hành trình tiếp theo nhận thông tin mới trong quá trình học tập.
- Trình bày nội dung (Presenting the Content): Kích hoạt mô hình đa bộ nhớ, trí nhớ ngắn hạn để trình bày được nội dung. Thu hút sự chú ý để thuận lợi cho người học chuyển đổi những thông tin được tiếp nhận từ trí nhớ giác quan (hình ảnh – slide, âm thanh – lời giảng) sang trí nhớ ngắn hạn để lưu trữ
- Cung cấp hướng dẫn học tập (Providing Learning Guidance) và Cung cấp cơ hội thực hành (Eliciting Performance): Hỗ trợ lưu trữ thông tin vào trí nhớ dài hạn. Cung cấp trải nghiệm, cơ hội để người học kết nối với những điểm neo nhận thức trước đây, hoặc xây dựng hệ thống truy xuất thông tin để thông tin được lưu trữ vào trí nhớ dài hạn của người học một cách thuận lợi hơn.
- Cung cấp phản hồi để cải thiện (Providing Feedback): Đóng vai trò trong củng cố hoặc sửa đổi, cập nhật những nội dung đã được học, hoàn thiện hơn việc xây dựng lược đồ nhận thức
- Đánh giá kết quả quá trình (Assessing Performance): Đánh giá lại kiến thức đã nằm trong trí nhớ dài hạn hay chưa?
- Ghi nhớ/chuyển giao vào thực tế (Enhancing Retention and Transfer): Sử dụng và củng cố kiến thức trong trí nhớ dài hạn
9 bước này hoạt động phối hợp và xuyên suốt trong suốt quá trình tiếp nhận kiến thức của người học. Việc giáo viên/người hướng dẫn áp dụng mô hình này giúp tạo ra một quá trình học tập tích cực và hiệu quả hơn. Các hoạt động này có thể được sử dụng lần lượt hoặc lồng ghép sử dụng linh hoạt trong suốt quá trình học.
Ở vai trò người học, việc không được đi qua hết 9 bước trong một trải nghiệm học tập sẽ làm giảm trải nghiệm và kết quả học tập. Và việc hiểu được lý do của những hoạt động trong lớp học sẽ giúp người học chuẩn bị một tâm thế tốt hơn khi tham gia vào những hoạt động trong lớp học.
Như minh hoạ ở hình dưới, những quá trình được đánh dấu màu xanh là những bước người học có thể tự giả lập và thực hiện được và thực hiện tốt. Những quá trình được đánh dấu màu vàng thì người học có thể thực hiện được, nhưng khó khăn hơn. Và những hoạt động được đánh dấu màu đỏ, là những hoạt động người học khó giả lập lại, khó thực hiện được, hoặc quên không thực hiện trong môi trường tự học, không có sự hỗ trợ thiết kế chương trình của giáo viên/người hướng dẫn.
Những thách thức khi chúng mình tự học
Như đã đề cập trong các mô hình phía trên, chương trình học được giáo viên thiết kế sẽ được tối ưu hơn cho người học, cùng với sự rút kinh nghiệm và sửa đổi qua nhiều thế hệ học sinh, chương trình học/chương trình giảng dạy mang lại lợi ích tối đa nhất trong thời gian ngắn cho người học. Tuy nhiên trong câu chuyện tự học, khi thiếu đi sự thiết kế của giảng viên, nhiều thách thức người học phải gặp phải.
Thử thách 1: Thiếu quy trình học tập.
Khi tự học, người học thường không có một quy trình rõ ràng và có hệ thống. Việc thiếu quy trình dẫn đến sự thiếu nhất quán trong việc tiếp thu và ghi nhớ kiến thức.
Thử thách 2: Đánh giá thấp tầm quan trọng của “sự tò mò” & kết nối thông tin.
Sự tò mò và khả năng kết nối thông tin là yếu tố then chốt trong việc học tập hiệu quả. Khi tự học, nhiều người thường chỉ tập trung vào việc nhớ các thông tin đơn lẻ mà không biết cách kết nối chúng lại với nhau.
Thử thách 3: Thiếu cơ hội nhận được phản hồi (feedback)
Phản hồi là yếu tố quan trọng để biết được mình đang ở đâu trong quá trình học và những kiến thức của mình là đúng hay sai, từ đó cải thiện và phát triển. Tự học thường thiếu đi sự tương tác và phản hồi từ giáo viên hoặc đồng nghiệp.
Vậy giải pháp cho quá trình tự học của chúng mình là gì?
Trải nghiệm tự học của chúng mình – Vòng tròn tự học
Tự quyết
- Mục tiêu: Xây dựng mục tiêu dựa trên độ sâu của kiến thức mà bạn muốn đạt được và thời gian bạn muốn “đầu tư” để đạt được kiến thức đó. Xem thêm bài #Nghĩ-sâu về kiến thức có đề cập đến cách xây dựng mục tiêu học tập.
- Lộ trình: Học hỏi kiến thức hiện hữu, sau đó là kiến thức tiềm năng và tự xây dựng kiến thức tiềm ẩn cho chính mình. Những kiến thức này được đề cập trong bài #Nghĩ-sâu về kiến thức
- Động lực: Càng nhiều động lực càng tốt. Quay lại câu chuyện về tìm kiếm động lực đã được đề cập trước đây trong bài #Nghĩ-thoáng và #Nghĩ-sâu về động lực
Tự động
- Tạo môi trường học tập
- Tài nguyên tự học: Là các công cụ, tài liệu và phương pháp hỗ trợ quá trình học tập mà không cần sự hướng dẫn trực tiếp từ giáo viên hoặc người hướng dẫn. Tài nguyên tự học nên đáp ứng những tiêu chí: Đa chiều, đa phương tiện, case study, câu chuyện cá nhân, các nguồn chính thống
- Hoạt động tự học: Tập trung vào sự dụng chiến lược hiệu quả. 3 chiến lược phổ biến là Chiến lược lặp lại (ôn tập định kỳ), chiến lược giải thích (làm rõ và mở rộng thông tin), và chiến lược tổ chức (sắp xếp và cấu trúc lại thông tin).
- Không gian tự học: Chú ý tới trải nghiệm cá nhân của bản thân để lựa chọn không gian, hoặc thời gian học tối ưu
- Tìm sự hỗ trợ từ cộng đồng: Từ mạng xã hội, những người cùng quan tâm tới chủ đề đang học
- Hỗ trợ giải thích/thảo luận: Có thể kích thích sự tò mò và ham muốn tìm tòi, học hỏi.
- Hỗ trợ mô phỏng/đánh giá: Bổ sung cho việc khó khăn khi tự phải đưa ra phản hồi cho chính mình.
Tự vấn
Là quá trình tự mình đặt ra các câu hỏi và tự trả lời nhằm kiểm tra, đánh giá và phản ánh về bản thân, kiến thức, hoặc hành động của mình. Tự vấn giúp người học hiểu rõ hơn về suy nghĩ, cảm xúc, và hành vi của mình, từ đó đưa ra các quyết định sáng suốt hơn và cải thiện khả năng học tập.
3 câu hỏi gợi ý để “Tự vấn” đối với mỗi vấn đề:
- Hành vi nào đang được lặp đi lặp lại?
- Nguyên nhân nào dẫn đến điều này?
- Nguyên nhân này có thể được thay đổi/giảm bớt/gia tăng không? Nói cách khác là Giải pháp nào có thể được thực hiện?
#Nghĩ-thoáng về trải nghiệm tự học
Hành trình tự học sẽ đi qua 3 giai đoạn Thu nạp, Duy trì và Thu hồi. Trong mỗi giai đoạn, cảm xúc của người học sẽ thay đổi và sự thay đổi cảm xúc này bị ảnh hưởng bởi quá trình tự học và cũng có thể thúc đấy quá trình tự học.
- Ở giai đoạn Thu nạp, khi chưa có nhiều điểm neo, việc học bắt đầu từ tạo ra những điểm neo. Hành trình này khá vui vẻ và dễ dàng vì kiến thức đang được xây dựng dần. Những hứng thú từ kiến thức mới khiến cảm xúc của người học cũng phát triển tích cực nhanh chóng.
- Khi số lượng điểm neo đủ nhiều, đủ để có một vài khoảnh khắc những thông tin mới xung đột với những thông tin cũ, tạo nên sự mất cân bằng nhận thức, hành trình học tập trở nên khó khăn hơn, cần phải vượt qua nhiều khó khăn hơn để có thể duy trì trạng thái học tập. Do đó, cảm xúc của người học đôi khi sẽ tụt giảm, biến đổi thăng trầm. Cảm xúc trong giai đoạn này bao gồm cả việc tự nghi ngờ bản thân và những điều mình đã học
- Khi bắt đầu truy hồi thông tin và kết nối được những thông tin mới và những điểm neo đã biết, kết hợp với bối cảnh đang được áp dụng, người học dần tự tin hơn với những kiến thức mà mình biết, cảm xúc của người học sẽ dẫn đi lên. Tới thời điểm khi người học có thể tự giảng được thông tin cho người khác, thì mức độ tự tin được nâng cao, và cảm xúc đối với việc tự học dần được phát triển bền vững hơn (Nhưng chậm hơn).
Tất cả những cảm xúc trong hành trình này đều nên được thừa nhận, tôn trọng vì chúng tạo nên động lực và hành trình tự học của bạn.
Tóm lại
- Không có giáo viên/người hướng dẫn, hành trình tự học sẽ khó khăn hơn nhưng không phải là không thể thực hiện.
- Thực hành tự quyết – Tự động – Tự vấn trong suốt quá trình tự học và thừa nhận cũng như tôn trọng mọi cảm xúc bạn gặp phải trong suốt quá trình đó.